TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG TỈNH CHUYỂN GIAO KHKT:
Gắn liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ
Ðẩy mạnh chuyển giao giống vật nuôi, cây trồng mới; gắn hỗ trợ chuyển giao KHKT với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ… là những đổi mới trong hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thời gian qua, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình nuôi cá điêu hồng tại thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát.
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào triển khai thí điểm mô hình nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất cho 3 hộ nông dân tại 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và Tây Sơn (500 m2/hộ). Đây là đối tượng vật nuôi mới, lần đầu tiên được nuôi thử nghiệm tại Bình Định. Nguồn con giống nhân tạo do Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) cung cấp. Sau 4 tháng nuôi, mô hình đem lại hiệu quả khả quan, trung bình mỗi hộ nuôi thu hoạch 54 tấn cá/ha/vụ. Giống cá mới được thị trường đón nhận, có giá bán thương phẩm dao động 40.000 - 45.000 đồng/kg. Với thành công của mô hình, Trung tâm đang có kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Sau một số mô hình nuôi cá rô phi, cá chép... hiệu quả chưa cao, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) chuyển sang đầu tư nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất - là một trong 3 hộ nuôi thử nghiệm. “Được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, kết hợp được nhà nước hỗ trợ 70% chi phí mua giống cá và 70% chi phí vật tư, gia đình tôi đầu tư ao nuôi 500 m2 để thả nuôi 15.000 con. Giống cá này không kén thức ăn, có thể ăn thức ăn công nghiệp dạng viên, thức ăn tươi sống và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm được chi phí, công lao động. Cá cũng kháng bệnh tốt và lớn rất nhanh, nên thời gian thu hoạch rút ngắn chỉ còn 3 - 4 tháng (so với các giống cá nuôi thông thường từ 5 tháng đến 1 năm). Sau khi thu hoạch, gia đình tôi thu về 40 triệu đồng, tính ra hiệu quả hơn nhiều so với các giống cá nuôi truyền thống”.
Để công tác chuyển giao tiến bộ KHKT phát huy hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chú trọng gắn các mô hình chuyển giao theo chuỗi liên kết “3 nhà”: Nhà nông - nhà DN - nhà nước, giúp nâng cao giá trị cây trồng và vật nuôi. Mô hình nuôi cá điêu hồng trong hồ chứa theo liên kết chuỗi tiêu thụ được triển khai cho 2 hộ dân tại huyện Phù Cát, diện tích 120 m2 là một minh chứng. Ngay từ đầu, Trung tâm phối hợp tổ chức ký kết 3 bên: Người nuôi, UBND xã Cát Hưng và DN tư nhân Quyết Hoa (ở địa phương), trong đó nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ các bên. Ngoài cung cấp giống, thức ăn, DN tư nhân Quyết Hoa còn bao tiêu sản phẩm đầu ra, với mức giá sàn của sản phẩm đảm bảo không thấp hơn giá thị trường.
Ông Lê Văn Tâm (thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi cá lồng bè và khai thác cá tự nhiên trong lòng hồ chứa nước Mỹ Thuận theo kiểu nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Năm 2019, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật nuôi cá điêu hồng, ngoài kỹ thuật, chúng tôi còn được hỗ trợ 50% chi phí con giống và 50% chi phí thức ăn. Sản xuất theo chuỗi đã mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình khi đầu ra sản phẩm cũng như giá cả ổn định. Sau khi kết thúc hỗ trợ của Trung tâm, gia đình vẫn tiếp tục đầu tư nuôi giống cá này, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ”.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát đánh giá, việc hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, đặc biệt đối với nông dân. Qua đó, giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 19 mô hình chuyển giao KHKT với 30 điểm trình diễn cho hộ dân sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, khuyến ngư... “Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao như: Thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi; trồng thử nghiệm giống bắp ngọt lai F1 Hy-brix 53 liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ; liên kết chăn nuôi vịt biển thương phẩm gắn tiêu thụ; hình thành liên kết sản xuất chuỗi tiêu thụ cá điêu hồng... Thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”, ông Nhựt nhấn mạnh.
HỒNG HÀ