Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số: Ða dạng hình thức thực hiện
Sau 5 năm triển khai, Ðề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025 vừa kết thúc giai đoạn 1 với những hiệu quả tích cực, giúp trẻ tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt.
Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh lồng ghép tăng cường tiếng Việt trong giờ học.
100% trẻ đến lớp được tăng cường tiếng Việt
Theo Sở GD&ĐT, kết thúc giai đoạn 1 của đề án có 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt. Trong đó, hơn 99% trẻ mầm non ra lớp được đánh giá đạt mục tiêu phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi; 100% trẻ tiểu học có thói quen sử dụng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày.
Mục tiêu Ðề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số đến năm 2025, có ít nhất 40% trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ, 99% trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp; có 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt.
Tuy còn hơi nhút nhát, nhưng trẻ vừa lên lớp 1 của Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) đã có thể trò chuyện với người lạ bằng tiếng Việt; còn trẻ lớn hơn có thể giao tiếp bình thường. Đứng chào khách, em Hoài Nhiên - học sinh lớp 1 của trường, dõng dạc giới thiệu: “Con tên là Hoài Nhiên, mẹ con đặt tên cho con. Con đang học bài chữ “vờ” (V)”.
“Không chỉ ở những tiết tăng cường tiếng Việt, trong bài giảng hàng ngày, hay các môn học, tôi đều tăng cường tiếng Việt cho các cháu. Khi gặp đồ vật, chữ viết, hay hoạt động gì đó tôi đều giải thích rõ ràng khái niệm; để dễ hiểu hơn, tôi giới thiệu bằng tiếng mẹ đẻ của các cháu trước”, cô Đinh Thị Oi, giáo viên chủ nhiệm bé Hoài Nhiên, vui vẻ nói.
Cô Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), cho biết: Trường có 5 lớp được tăng cường tiếng Việt, ban đầu các cô phải tạo hứng thú để trẻ chuyên cần đến lớp, rồi tạo môi trường tăng cường tiếng Việt trong và ngoài lớp học. Quan trọng nhất vẫn là giao tiếp, trẻ mới đến lớp còn rụt rè, các cô phải trò chuyện thật nhiều, mỗi ngày thêm một ít, dần dần các bé nói tiếng Việt tốt hơn. Nhà trường cũng vận động phụ huynh ở nhà trò chuyện với trẻ bằng tiếng Việt, để khi vào tiểu học trẻ đỡ bỡ ngỡ.
Để tạo môi trường trò chuyện tiếng Việt, nhiều trường mầm non ở huyện An Lão còn tổ chức học bán trú. “Môi trường giao tiếp rất quan trọng, tổ chức học bán trú không chỉ giúp trẻ được chăm sóc tốt hơn mà còn tạo môi trường trẻ giao tiếp với cô. Nhà trường còn vận động nhiều nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa như tham quan “Doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam”, gói bánh tét, chăm sóc vườn hoa... để trẻ mạnh dạn, tự tin”, cô Phạm Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Quang, chia sẻ.
Trường Mầm non thị trấn Vân Canh là một trong những trường thực hiện tốt đề án.
Đề nghị hỗ trợ cho trẻ nhà trẻ
Tuy 100% trẻ ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt, nhưng đến nay số trẻ ra lớp lại không đạt kế hoạch đề ra. Theo đề án, đến năm 2020, toàn tỉnh có 25% trẻ nhà trẻ và 98% trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số ra lớp, nhưng kết thúc giai đoạn 1 chỉ có 4,9% trẻ nhà trẻ và 96,6% trẻ mẫu giáo ra lớp. Tỷ lệ trẻ mầm non học bán trú còn thấp, chỉ 36,3%. Một vấn đề cũng khiến nhiều địa phương tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt băn khoăn là giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt ở điểm trường chính không được hưởng chế độ trợ cấp.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm, Sở đã tham mưu xây dựng chính sách cho trẻ nhà trẻ như hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ học phí, uống sữa học đường. Với đội ngũ giáo viên, giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt ở điểm chính được hưởng chính sách như giáo viên điểm trường lẻ; mở lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (H’re, Bana, Chăm…) cho giáo viên người Kinh chưa biết tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Bên cạnh đó, để tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến lớp cao hơn, giúp công tác tăng cường tiếng Việt tốt hơn, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô nhóm, lớp, thực hiện bán trú, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ học liệu cho trường mầm non. Ở cấp tiểu học, tăng cường và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; tăng thời lượng dạy học môn tiếng Việt và lồng ghép vào các hoạt động, môn học khác, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh đầu cấp học.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, giai đoạn 2020 - 2025, huyện sẽ chuyển đổi một số trường mẫu giáo sang trường mầm non, tạo điều kiện cho trẻ nhà trẻ đến trường, phấn đấu đạt được mục tiêu đề án trong điều kiện có thể của địa phương.
ĐỖ THẢO