Rừng phòng hộ Vân Canh bị xâm hại
Hằng ngày có vài chục người dân địa phương một số xã của huyện Tây Sơn vào khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa xã Canh Liên (huyện Vân Canh) và xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) để khai thác lâm sản trái phép, nhưng lực lượng chức năng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Cây có đường kính khoảng 60 cm bị lâm tặc đốn hạ, dấu vết còn mới.
Phá rừng phòng hộ
Những ngày đầu tháng 9.2020, phóng viên Báo Bình Định lần theo những thông tin phản ánh của người dân địa phương, thâm nhập vào khu rừng phòng hộ làng Canh Tiến, xã Canh Liên để tiếp cận hiện trường. Trong vai người đi đào gốc mai rừng, cây cảnh, sau khi dừng xe ở bìa rừng, chúng tôi theo nhóm “lâm tặc” băng rừng đến dốc Cam Định. Tại đây, chúng tôi thấy những phách gỗ lớn nằm la liệt một góc đồi, kiểm đếm sơ bộ thì có khoảng 16 phách gỗ các loại như: Chò, huỹnh, trắc vàng… dài khoảng 3 - 5 m, rộng 40 - 50 cm được tập kết chuẩn bị chở đi. Toàn bộ số gỗ này có dấu vết cắt xẻ còn rất mới, nhựa cây ứa ra đỏ tươi.
Lần theo lối mòn, phải mất hơn 3 giờ đi bộ chúng tôi mới tiếp cận được “đại bản doanh” tại cánh rừng tiểu khu 315, 316, nơi mà cả chục “lâm tặc” ăn ở tại chỗ hàng tháng trời để khai thác gỗ. Tại đây, chúng tôi chứng kiến các cây gỗ lớn bị chặt hạ, trơ gốc nhựa chảy tươi rói, những phách gỗ, bìa cây nằm ngổn ngang khắp cả vạt rừng. Nhiều cây vừa đốn hạ, phân thành khúc chưa được cưa xẻ nằm la liệt. Cách đó không xa, nhiều vạt rừng đã tan hoang, xác xơ với dấu vết đã cũ; có những cây cổ thụ, gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc.
Một người dân ở làng Cam, xã Tây Xuân, cho biết: Khoảng 3 - 4 tháng gần đây, mỗi ngày có hàng chục người ở nhiều địa phương của huyện Tây Sơn vào sâu khu vực rừng giáp ranh giữa xã Canh Liên với xã Tây Xuân để khai thác gỗ trái phép. Tầm 5 - 6 giờ sáng hoặc 18 giờ chiều, “lâm tặc” bắt đầu vận chuyển gỗ theo 2 hướng chủ yếu: Từ làng Canh Tiến xuống khu vực Hầm Hô, xã Tây Phú và từ Canh Tiến về làng Cam, xã Tây Xuân. Sau khi thả gỗ theo sườn núi xuống các khu vực trên, chúng dùng xe máy độ chế chở từng súc gỗ băng theo lối mòn bìa rừng qua 3 khe suối. Để tránh chốt bảo vệ rừng Thò Đo, “lâm tặc” tạo lối đi riêng, chỉ cách chốt chừng 100 m về hướng Nam, nếu bị phát hiện, truy đuổi thì sẵn sàng bỏ cả gỗ và xe máy để chạy thoát thân.
Điều đáng nói, mặc dù tỉnh đã lập chốt bảo vệ rừng Thò Đo, ở thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân với sự phối hợp của các cơ quan chức năng của 2 huyện Vân Canh và Tây Sơn nhằm ngăn chặn, truy bắt các đối tượng vào rừng khai thác gỗ trái phép, song, việc ngăn chặn tại chốt này hầu như không có hiệu quả, “lâm tặc” vẫn vào rừng khai thác gỗ một cách công khai.
“Lâm tặc” tập kết gỗ tại dốc Cam Định để vận chuyển ra khỏi rừng.
Không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả
Theo ông Trần Công Danh, Phó trưởng Trạm bảo vệ rừng, phụ trách chốt Thò Đo, cho biết: Từ đầu năm đến nay, chốt đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuần tra, truy quét, đã thu giữ gần 4 m3 gỗ các loại. “Chúng tôi cũng đã phát hiện và bắt giữ rất nhiều trường hợp nhưng để xử lý triệt để thì rất khó, bởi lực lượng chức năng mỏng, “lâm tặc” sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Một số đối tượng lợi dụng vào rừng tìm ong lấy mật và hái trái ươi, sau đó khai thác gỗ trái phép. Chúng tôi đã báo cáo với Hạt Kiểm lâm Tây Sơn và các cơ quan chức năng để tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng này”.
Còn ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho rằng: “Hiện trên địa bàn xã có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, nhưng hầu hết là xẻ gỗ bìa. Có thể là họ lợi dụng việc sản xuất gỗ, đã tiêu thụ số lượng gỗ khai thác trái phép của lâm tặc cung cấp”.
Khi chúng tôi phản ánh thực trạng phá rừng ở địa bàn, ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vân Canh, phân bua: Không phải anh em chúng tôi không tuần tra, truy bắt, nhưng thật sự do lực lượng mỏng, địa bàn quá rộng, đi bộ cả ngày mới đến, nên gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, hiện các đối tượng lâm tặc hoạt động rất tinh vi, thường cử người cảnh giới lực lượng chức năng, khi có động tĩnh gì là chúng thông báo cho nhau bằng điện thoại để “án binh bất động”. Manh động hơn, các đối tượng này sẵn sàng tấn công lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, truy đuổi.
“Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Vân Canh và huyện Tây Sơn tổ chức đẩy đuổi, truy bắt rất nhiều trường hợp, đã phát hiện và tạm giữ hơn 9 m3 gỗ các loại. Thời gian đến, chúng tôi sẽ tăng cường công tác phối hợp, đi tuần tra rừng, duy trì các điểm chốt có nguy cơ phá rừng cao, đặc biệt là khu vực rừng giáp ranh”, ông Tây nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Hiện Chi cục chưa nắm thông tin về tình trạng trên. Chúng tôi sẽ yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn nắm tình hình, kiểm tra thực tế về tình trạng phá rừng mà phóng viên phản ánh, báo cáo cụ thể về Chi cục Kiểm lâm tỉnh để phối hợp cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng theo quy định của pháp luật; sẽ báo cáo kết quả cho báo chí.
VĂN LƯU