Truyền hình thực tế ngày càng nhạt
Khó có từ nào chuẩn xác hơn từ “nhạt” để nói về các chương trình truyền hình thực tế phát sóng trong thời gian gần đây, ngoại trừ Thử thách cùng bước nhảy mùa thứ hai vẫn “giữ nhiệt” và cảm xúc nơi khán giả. Mặc dù vậy các chương trình cũ, mới vẫn nối đuôi nhau rầm rộ lên sóng các đài truyền hình lớn của cả nước.
Ngán cả “xôi” lẫn “chè”
Mặc dù mùa đầu tiên lên sóng nhưng với mật độ 1 tập/ngày (tổng cộng hơn 65 tập, mỗi tập kéo dài 1 tiếng đồng hồ), quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những chuyện sinh hoạt đời thường của 12 con người được “nhốt” vào cái gọi là căn nhà chung khiến khán giả chỉ có cảm giác ngán ngẩm chứ chẳng tạo ra sự thích thú nào với chương trình Người giấu mặt. Khán giả có lẽ cũng quên hẳn sự tồn tại của Người giấu mặt, nếu không có sự cố tiết lộ ảnh khỏa thân ghi từ camera của các thí sinh trong chương trình.
Sự cố (tạm cho như thế) khiến nhà đài lẫn nhà sản xuất một phen lúng túng. Dẫu vậy, sự “chìm xuồng” nhanh chóng sau đó mà không bị bất cứ một xử lý nào của cơ quan chức năng ngoài việc “xử lý” nội bộ giữa nhà đài và nhà sản xuất khiến không khỏi phát sinh ngờ vực đây cũng chỉ là một chiêu PR của chương trình.
Thật sự, nếu phải dùng đến “hạ sách” như thế để câu kéo khán giả cho thấy chương trình trên kém sức hút đến mức nào. Bởi ai cũng biết, nếu có động thái nào đó từ các cơ quan chức năng, chuyện nhà đài hy sinh thí tốt là rất dễ xảy ra, mà hệ quả xấu nhất là có thể dẫn đến chuyện chương trình bị cắt sóng.
Các chương trình mới khác được mua bản quyền để Việt hóa trong mùa đầu tiên lên sóng như Tôi là người chiến thắng, Vũ điệu đam mê, Ngôi sao thiết kế thời trang… cũng không khá hơn. Mặc dù được phát sóng vào giờ vàng trên những kênh giải trí lớn hiện nay thì sự quan tâm của công chúng dành cho các chương trình cũng rất hạn chế. Chương trình mới như thế thì chuyện các chương trình đã có một vài năm “tuổi thọ” giảm nhiệt (cả trên diện rộng với hầu hết các chương trình) cũng là chuyện thường tình. Điển hình nhất là 2 chương trình vừa kết thúc là Giọng hát Việt và Vietnam’s Next Top Model. Sau mùa đầu thành công rôm rả, nhà sản xuất không để sự quan tâm của khán giả đối với chương trình kịp giảm nhiệt đã ngay lập tức khởi động mùa thứ hai. Tiếc thay, những toan tính đó đã không trở thành hiện thực, bởi thực tế cho thấy, dù có những “thay máu” đối với các huấn luyện viên bằng việc mời những ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi được bảo chứng về chuyên môn thì Giọng hát Việt mùa thứ hai vẫn là một sự thất bại khó bàn cãi. Chương trình nhạt nhòa, thí sinh nhạt nhòa nên khán giả cũng thờ ơ hẳn.
Vietnam’s Next Top Model cũng vậy. Sau 3 mùa giải khá thành công, đến mùa giải thứ tư chương trình gần như chỉ loay hoay tung những “chiêu, trò” nhạt nhẽo của giám khảo lẫn thí sinh lên các trang tin điện tử để câu kéo sự quan tâm của dư luận, nhưng dường như cũng bất thành. Đến nỗi, trước đêm chung kết diễn ra, nhiều phóng viên theo dõi mảng này vẫn gần như không thể nhớ nổi mặt mũi của tốp 4 thí sinh vào chung kết. Riêng chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam’s Got Talent chẳng biết có thể gượng dậy để có mùa thứ ba nổi nữa hay không sau mùa thứ hai quá nhạt nhòa. Việc các chương trình truyền hình thực tế dù mới hay cũ đều ít nhiều bị khán giả quay lưng khiến không thể không đặt ra câu hỏi, phải chăng sự bùng nổ thái quá đã khiến khán giả ngán ngẩm. Nói như ông bà xưa thì “xôi” hay “chè” gì thì khán giả cũng đều bắt đầu ngán cả rồi.
Khán giả và niềm tin bị đánh cắp?
Thật ra trong bức tranh chung nhiều màu xám ấy vẫn lóe lên những mảng màu tươi tắn từ những chương trình như Vua đầu bếp, Cuộc đua kỳ thú, Thử thách cùng bước nhảy. Dù sang mùa thứ hai nhưng Thử thách cùng bước nhảy vẫn cho thấy đó là chương trình đáng xem hiện nay. Có lẽ, với các chương trình trên, khán giả vẫn còn niềm tin vào từ “thực tế” và họ không trở thành con rối để những nhà sản xuất chương trình giật dây nhằm phục vụ cho cuộc chơi đầy thực dụng. Hiện nay, tất cả các sân chơi truyền hình thực tế đều lấy sự bình chọn của khán giả là thành tố quan trọng để cấu thành kết quả cuối cùng. Thậm chí ở nhiều chương trình, khán giả mới là người quyết định cuối cùng. Thế nhưng, rất nhiều lần cái kết quả “từ khán giả” mà chương trình đưa ra để nhân danh đó trao giải lại có độ vênh rất lớn với số đông khán giả bình thường. Lâu ngày và liên tục như thế đã khiến khán giả có cảm giác mình chỉ là con rối để ban tổ chức nhân danh đó mà làm trò. Và khi niềm tin bị đánh cắp thì họ quay lưng tẩy chay âu cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên niềm tin chỉ là một phần của câu chuyện bởi còn khá nhiều lý do khác khiến chất lượng các chương trình truyền hình thực tế ngày càng đi xuống. Ví dụ như chương trình Người giấu mặt, có thể xem đây là sự thất bại do khác biệt về văn hóa. Một chương trình như vậy ở nước ngoài có thể tạo nên sự hấp dẫn dựa vào yếu tố “thực tế” nhưng ở Việt Nam thì chưa chắc do những khác biệt về những chuẩn mực giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Riêng ở những chương trình, như Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Vietnam’s Next Top Model, ngoài những lùm xùm liên quan đến sự minh bạch trong kết quả, những “chiêu, trò” quá lố gây phản cảm thì vấn đề quan trọng vẫn là chất lượng thí sinh của chương trình. Rõ ràng, sau Uyên Linh của Vietnam Idol 2010 tạo nên nhiều cảm hứng thì quán quân mùa sau nhạt nhòa và không thuyết phục.
Tương tự là Vietnam’s Next Top Model, sau hai mùa đầu góp vào làng thời trang những nhân tố tươi mới đầy triển vọng thì các mùa sau những gương mặt giành vị trí cao vẫn chưa đủ sức tỏa sáng khiến sức hút chương trình nhạt dần. Ngay như Giọng hát Việt 2013, dù cảm hứng từ mùa đầu cực lớn nhưng nhìn vào chất lượng các thí sinh mùa giải mới dường như rất khó có điều gì có thể kỳ vọng. Giới chuyên môn vẫn rất hồ nghi không biết quán quân Giọng hát Việt năm nay liệu có thể trụ lại với thị trường nổi hay không chứ chưa nói đến chuyện tỏa sáng hay thành sao. Trong năm 2014, các chương trình truyền hình thực tế cũ, mới vẫn tiếp tục lên sóng các đài truyền hình nhưng liệu có tạo ra sức hút cho công chúng hay không thì có lẽ còn phải chờ câu trả lời từ… thực tế.
. Theo KHẮC THI (SGGP)