Ðảm bảo an toàn tàu cá trong mùa mưa bão: Chủ động cảnh báo, tăng cường giám sát
Bình Ðịnh hiện có gần 6.000 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên hoạt động khai thác thủy sản. Ðể đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân trong mùa mưa bão, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh và ngư dân đã chủ động cảnh báo, tăng cường giám sát, đưa ra nhiều giải pháp.
Đến nay, cả tỉnh có 100% tàu cá (3.143 chiếc) có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động khai thác thủy sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản. UBND tỉnh đã phê duyệt 2 đợt hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 2.494 tàu cá của ngư dân với tổng số tiền hơn 25,3 tỷ đồng, góp phần quản lý tàu cá chặt chẽ hơn, giúp ngư dân hoạt động an toàn trên biển trong mùa mưa bão.
Ngư dân chủ động hơn
Ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ đội tàu 14 chiếc đánh bắt xa bờ, cho biết: “Thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều lợi ích vì không chỉ giúp cơ quan quản lý xác định chính xác vị trí tàu đang hoạt động trên biển, mà chủ tàu, thuyền trưởng còn có thể cập nhật thông tin thời tiết, các bản tin báo bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng ngừa”.
Tàu cá về bờ tránh bão số 5 và cập cảng bán sản phẩm tại cảng cá Quy Nhơn chiều 17.9. Ảnh: Ngọc Nhuận
Ngoài các thiết bị thông tin liên lạc, như ICOM, bộ đàm, máy thông tin liên lạc HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh VX-1700, gần đây, nhiều chủ tàu còn lắp pin năng lượng mặt trời trên tàu cá để phòng ngừa trường hợp bình ắc quy hết điện sẽ làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc, khởi động máy tàu. Bởi đã có nhiều sự cố trên biển xảy ra do bình ắc quy hết điện, tàu không khởi động được máy, hệ thống liên lạc không hoạt động, mất tác dụng.
Ngư dân Đồng Văn Quốc, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, thuyền trưởng tàu cá BĐ 93184-TS, chia sẻ: “Tháng 5.2020, chủ tàu đã đầu tư 5 triệu đồng lắp 2 tấm pin năng lượng trên tàu cá để đảm bảo nguồn điện tối thiểu cho tàu. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng mức độ an toàn lại tăng cao hơn rất nhiều. Khi tàu hoạt động trên biển thì tất cả các thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống hàng hải trên tàu cá, kể cả việc khởi động máy chính, máy điện của tàu đều sử dụng nguồn điện từ các bình ắc quy dự trữ. Có hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên tàu cá, nguồn điện dự trữ cho các bình ắc quy đảm bảo tính liên tục, lỡ máy phát điện bị hư thì bình ắc quy vẫn có điện cung cấp cho các thiết bị liên lạc, hàng hải, điện sinh hoạt trên tàu, anh em dễ bề xoay xở hơn, nhất là những lúc gặp thời tiết xấu”.
Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt
Cảng cá Tam Quan (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) lúc cao điểm có từ 1.600 - 1.800 tàu cá trong và ngoài tỉnh neo đậu trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới. Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan, thị xã đã cho nạo vét luồng lạch ra vào cảng, chỉ đạo đơn vị lập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2020; hợp đồng các tàu lai dắt, phương tiện xe đào để sẵn sàng ứng cứu tàu thuyền ra vào luồng lạch bị mắc cạn; bố trí người hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào cảng neo đậu an toàn.
Cán bộ Chi cục Thủy sản trực Trạm bờ Quy Nhơn để thông tin dự báo thời tiết cho ngư dân.
Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tàu cá và ngư dân hoạt động trong mùa mưa bão theo phương án PCTT-TKCN năm 2020 của tỉnh.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: “Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường trực 24/24 giờ tại Trạm bờ Quy Nhơn để theo dõi nắm bắt tình hình thời tiết và thông báo về các bản tin dự báo thời tiết cho ngư dân nắm bắt, báo cáo cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh các sự cố liên quan đến tàu thuyền, ngư dân khi hoạt động trên biển. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá”.
Tại hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức hồi tháng 6.2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chỉ đạo: Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý tàu cá, kịp thời cảnh báo thông tin về thời tiết xấu để các ngư dân chủ động phòng ngừa; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trên biển và đất liền. Phải kiên quyết không cho tàu cá thiếu giấy tờ ra khơi, tàu cá chưa đảm bảo trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn. Công tác PCTT-TKCN phải xác định nhiệm vụ trọng tâm nhất chính là phòng ngừa, bảo vệ tính mạng của nhân dân là trên hết và hạn chế thiệt hại về tài sản.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cả tỉnh xảy ra 22 vụ sự cố trên biển, như tàu bị hỏng máy, tàu bị phá nước, bị đâm va... làm 1 ngư dân chết, 1 ngư dân mất tích trên biển. Khi gặp sự cố trên biển, ngư dân liên lạc qua thiết bị thông tin liên lạc tần số 7903 KHz để được hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn.
Theo dự báo của Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh, năm 2020, có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông; trong đó có 5 - 6 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam, tập trung ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020. Riêng khu vực tỉnh Bình Ðịnh chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN