Bão số 5 giảm cường độ, đổ bộ vào đất liền từ Quảng Bình đến Quảng Nam
Dự báo, bão số 5 đang giảm cường độ, sẽ đổ bộ vào bờ biển Từ Quảng Bình - Quảng Nam trong trưa 18.9.
Bão số 5 giảm cường độ khi đổ bộ
Sáng 18.9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức họp ứng phó với bão số 5, đến dự cuộc họp có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đại diện các Bộ, ban, ngành có liên quan.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, vào khoảng 7 giờ ngày 18.9, vị trí tâm bão khoảng 16,5oN; 108,50E, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất: cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12. Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25 km/h.
Toàn cảnh cuộc họp.
Do ảnh hưởng của bão số 5, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ, đảo Lý Sơn) có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, riêng phía Nam Vịnh có nơi cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng sóng cao từ 3-5m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển.Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Do ảnh hưởng của bão số 5 nên trong ngày và đêm nay (18.9), ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.
Trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 19.9 ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia cho biết, cập nhật đến 8 giờ 30 phút sáng 18.9, bão số 5 đã nằm trên vùng bờ biển Quảng Bình đến Quảng Nam.
“Theo dự báo trong khoảng 1- 2 tiếng nữa, bão số 5 sẽ đổ bộ lên đất liền, trong đó vùng trọng tâm của bão sẽ đi vào vào khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế với cường độ cấp 7 - 8. Cập nhật từ các trạm đo thực tế đến sáng 18.9, ở Cửa Tùng (Quảng Trị), Hải Long (Thừa Thiên Huế) đã có gió mạnh cấp 8. Ngoài ra, khu vực đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cũng ghi nhận có gió mạnh cấp 8. Từ ngày 17 - 18.9, bão số 5 sẽ gây ra tổng lượng mưa rất lớn, có nơi đã đạt 339mm. Dự báo khi bão vào mưa tập trung chủ yếu trong sáng 18.9, chiều sẽ giảm, cao nhất đạt 200mm. Mưa lớn khả năng ở các sông ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế có thể lên tới báo động 2”.
Tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng đề ứng phó với bão số 5
Theo đại diện lực lượng Cứu hộ Cứu nạn Bộ đội Biên phòng, đơn vị này đã huy động các lực lượng phương tiện di dời người dân đến nơi an toàn, đã hoàn tất công tác chằng chống nhà cửa để sẵn sàng ứng phó khi bão vào.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, công tác hướng dẫn kĩ thuật cho vùng nuôi trồng thủy sản để chẳng chống, thu hoạch, chăm sóc khi bão vào đã hoàn thành.
“Toàn bộ tàu có hệ thống giám sát hành trình không còn hoạt động trong vùng nguy hiểm, còn 18 tàu hoạt động nhưng nằm ngoài khu vực nguy hiểm. Toàn bộ hệ thống nuôi trồng thủy sản đã được đưa về nơi an toàn”, đại diện Tổng cục Thủy sản thông tin.
Phát biểu tổng kết cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, hiện nay không còn tàu thuyền ở trong khu vực nguy hiểm. Các địa phương đã triển khai tích cực theo chỉ đạo. Công tác thông tin đã làm tốt khi Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắn tin gần 8000.000 thuê bao trong vùng nguy hiểm khi bão vào.
“Đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo cùng các bộ ngành. Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, tiếp tục kiểm tra các lồng bè, chòi canh không để người dân trên khu vực nguy hiểm này. Đề nghị quản lý, phân luồng giao thông khi bão vào và có thể ngập lụt. Kiểm tra nhà cửa tránh sập đổ. Chuẩn bị các phương án ứng phó với lũ ống, lũ quét khi xảy ra. Chỉ đạo an toàn hồ chứa, thủy lợi, thủy điện để vận hành liên hồ chứa một cách an toàn”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo Văn Ngân (VOV.VN)