Đưa 3 mặt hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam xuất sang EU
Chiều 17.9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu 3 mặt hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang Châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Phát biểu tại buổi lễ công bố xuất khẩu 3 mặt hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang Châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, trái cây là một trong những ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao của nước ta. Diện tích cây ăn quả trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng. Đến nay, diện tích cây ăn quả đạt hơn 964.000 ha, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 6%. Cả nước đã có khoảng 40 loại rau quả được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết là cơ hội rất lớn cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng có điều kiện thuận lợi gia nhập vào thị trường EU. Tuy nhiên, muốn xuất sang thị trường khó tính này, trái cây Việt Nam phải đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn đặt ra của EU.
Lễ công bố xuất khẩu 3 mặt hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang Châu Âu
Ông Lê Quốc Doanh đánh giá cao và chúc mừng Công ty VINA T&T Group đã nỗ lực trong việc cung cấp các mặt hàng trái cây đầu tiên của cả nước đáp ứng nhu cầu để xuất khẩu sang thị trường EU, tạo bước khởi động để các doanh nghiệp khác đưa ngành hàng này xuất khẩu có giá trị cao.
Sau thời gian hoàn tất các thủ tục và khâu chuẩn bị, chiều 17.9, Công ty VINA T&T Group đã khởi động 3 xe container chở 20 tấn trái dừa Xiêm để xuất sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh xuất sang thị trường Đức và 3 tấn trái Thanh long xuất sang thị trường Hà Lan.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty VINA T&T Group cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ký kết đã thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu ngành hàng trái cây sang EU. Doanh nghiệp phấn đấu từ nay đến cuối năm giá trị xuất khẩu sang EU tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái.
“Khi vào EU đòi hỏi phải có những chứng chỉ bắt buộc: vùng trồng GlobalGAP, nhà máy ISo HSap và các chứng nhận môi trường… Vào được thị trường EU, chúng ta phải đảm bảo khó nhất là hàng rào kỹ thuật, đây cũng là khó khăn và thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Từ khi Hiệp định này ký, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng xuất ra Châu Âu. Hôm nay, chúng tôi mạnh dạn xuất hàng sau đàm phán 1 tháng, đó là tín hiệu rất vui với thị trường EU”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Theo Nhật Trường (VOV)