Nhà ăn 0 đồng: Tấm lòng của những người trẻ
Hơn một tháng qua, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn đã đến Nhà ăn 0 đồng (335 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn) nhận cơm chay miễn phí. Mỗi người đến tự lấy ghế ngồi xếp hàng chờ phía bên ngoài căn nhà, bên trong nhiều người tất bật múc cơm, thức ăn rồi đóng hộp. Đúng 10 giờ 30 phút sáng, các bạn trẻ nhóm thiện nguyện Nhất Tâm Quy Nhơn bắt đầu phát cơm.
Người khó khăn đến xếp hàng và nhận phần cơm chay miễn phí tại Nhà ăn 0 đồng.
Từ khi Nhà ăn 0 đồng hoạt động đến nay, chị Trần Thị Nương, 40 tuổi, quê ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), hằng ngày đều đến chờ lấy cơm. Chị Nương bị bệnh động kinh nặng, phải vào TP Quy Nhơn chữa bệnh thời gian dài. Những hộp cơm miễn phí đã góp phần chia sẻ khó khăn, tiếp thêm nguồn động viên tinh thần cho chị. Có bữa đến nhận, chị Nương lên cơn động kinh khiến mọi người hoảng hốt. Anh Duy, nhóm trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm Quy Nhơn, lấy phần cơm, 2 quả chuối cho chị Nương ăn trước, rồi gởi thêm thùng mì tôm cùng ít tiền...
Trước đây, vì công việc bận rộn, vợ chồng anh Duy (SN 1989) đặt người khác nấu rồi phát cho người khó khăn, bệnh nhân ở bệnh viện. Anh học hỏi mô hình Nhà ăn 0 đồng của Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm ở TP Hồ Chí Minh. Nhóm đã ủng hộ toàn bộ chi phí mua sắm tủ kính, bếp, nồi, bàn ghế, chén bát cho Nhà ăn. Anh Duy tìm thuê căn nhà gần BVĐK tỉnh, nơi có rất nhiều bệnh nhân nghèo, rồi kêu gọi bạn bè, người thân san sẻ công việc cùng nhau. Vì vỉa hè chật chội, người đến ăn cơm thường tập trung đông, anh Duy không bố trí ăn tại chỗ nữa mà phát cơm mang về.
Những phần cơm trao đi luôn được vợ chồng anh Duy chăm chút tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu, đến sơ chế và chế biến. Nhà ăn không chỉ phục vụ cơm mà còn liên tục đổi món như phở, bún, bún khô xào… Hiện nay, nhóm anh Duy phục vụ 200 - 250 suất cơm/ngày cho người nghèo.
Duy không thích kể về mình lẫn công việc đang làm. Khi được hỏi có khó khăn gì duy trì Nhà ăn 0 đồng, Duy chỉ cười hiền lành nhìn vợ, rồi chia sẻ: “Khó khăn nhất là các bạn hỗ trợ cũng phải đi làm, nên quán hiện chỉ phục vụ cơm trưa. Còn khó về kinh phí, vợ chồng tôi xác định từ đầu nếu mọi người ủng hộ thêm thì tăng suất ăn lên, còn không vợ chồng phải lo liệu”.
Có thêm sự san sẻ, góp sức phần nào đó như món quà tinh thần tiếp thêm sức mạnh thực hiện tâm nguyện của các bạn trẻ. Có người chở chục bao gạo tới ủng hộ không để lại tên tuổi gì. Và những việc làm ý nghĩa, câu chuyện cảm động sẽ còn nối tiếp tại Nhà ăn 0 đồng.
CÔNG HIẾU