Cảnh báo làm giả sổ đỏ
Vừa qua, nhân viên Văn phòng công chứng Thanh Bình (TP Quy Nhơn) đã phát hiện “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” nghi ngờ làm giả. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Làm thế nào để nhận biết giấy tờ giả là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Văn phòng công chứng Thanh Bình đã hai lần kịp thời phát hiện GCN nghi ngờ làm giả.
Thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi
Những năm gần đây, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ lừa đảo bằng cách làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN, gọi tắt sổ đỏ), với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Riêng tại Văn phòng công chứng Thanh Bình (TP Quy Nhơn) đã hai lần kịp thời phát hiện GCN nghi ngờ làm giả.
Bà Phạm Thị Thanh Bình, Trưởng Văn phòng công chứng Thanh Bình, cho biết: Sáng 24.1.2020 (30.12 âm lịch) khách xin công chứng ngoài giờ làm việc với lý do năm mới Canh Tý không hợp tuổi mua nhà. Khi phát hiện có dấu hiệu GCN giả, trong khi các cơ quan chức năng đã nghỉ tết Nguyên đán nên chưa thể xác minh làm rõ, nhân viên Văn phòng công chứng Thanh Bình từ chối công chứng, đồng thời khuyên người mua cẩn thận. Sáng 10.9.2020, nhân viên văn phòng nghi ngờ GCN giả đã báo cáo và chuyển qua Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh lập biên bản kiểm tra.
Theo cơ quan chức năng, có hai dạng GCN giả phổ biến. Thứ nhất, GCN làm từ phôi thật do Bộ TN&MT cấp cho các địa phương. Vì lý do nào đó, phôi thật bị đánh cắp và tuồn ra ngoài. Các đối tượng sẽ làm giả nội dung in trên đó như vị trí thửa đất, con dấu, chữ ký của người có trách nhiệm… Dạng thứ hai là các đối tượng làm giả hoàn toàn cả phôi và nội dung in trên GCN. Những người làm giấy giả thường đóng vai cò đất hoặc người mua đi tìm nhà, đất để đầu tư. Khi trao đổi với chủ đất hoặc nhà, họ xin chụp, phô tô giấy tờ rồi lấy các thông tin có trên giấy thật như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, vị trí đất… rồi in lên giấy giả. Trong quá trình giao dịch xem giấy tờ, họ chờ lúc chủ nhà bất cẩn đem giấy giả tráo đổi với giấy thật. Cũng có trường hợp kẻ gian dựa vào thông tin đăng trên các website mua bán bất động sản để làm giấy giả.
Ông Nguyễn Trọng Bằng, người có nhiều năm trong nghề kinh doanh môi giới bất động sản ở TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Một số khách hàng kỹ tính trước khi ký chuyển nhượng đòi đến Văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương xác minh. Nếu không có vấn đề gì thì khách hàng mới giao dịch chuyển nhượng, mua bán”.
Làm gì khi phát hiện giấy tờ giả ?
Ông Đặng Hữu Bình, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (thuộc Sở TN&MT), cho biết: “Khi nghi ngờ GCN bị làm giả, các tổ chức, cá nhân cần kịp thời cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương; Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh hoặc chi nhánh Văn phòng ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; hoặc cơ quan CA để được xử lý theo quy định”.
Khi tiếp nhận phản ánh GCN giả hoặc nghi ngờ người nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính nộp GCN giả, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh kiểm tra, đối chiếu xác nhận có hay không sự giả tạo trong bản chính GCN do tổ chức, cá nhân cung cấp, nộp trong thời hạn tối đa không quá 10 ngày.
Để nhận biết GCN thật hay giả, người dân cần kiểm tra kỹ giấy tờ được xuất trình như: Lỗi chính tả, số giấy, độ cũ mới của giấy tờ, có dấu hiệu bôi bẩn…Đặc biệt, phải xem xét chữ ký và con dấu, bởi chữ ký giả thường không tự nhiên, nét bắt đầu và nét kết thúc không sắc gọn…Riêng con dấu giả, khoảng cách giữa các vành thường không đều, kiểu chữ không đúng quy cách, các chi tiết như quốc huy, quốc hiệu khó thể hiện đầy đủ nên thường hay đọng mực, mờ nhòe…
Bà Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Dự kiến tháng 10.2020, Sở Tư pháp đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng chứng thực trên địa bàn tỉnh. Việc sử dụng phần mềm này giúp ngăn chặn rủi ro cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến các hợp đồng, giao dịch đã công chứng, chứng thực; tăng hiệu quả công tác quản lý hoạt động công chứng; giảm chi phí thời gian, vật chất…”.
HẢI YẾN