Vào vụ trồng rừng mới
Theo kế hoạch năm nay, cả tỉnh trồng 8.500 ha rừng. Trong đó, trồng hơn 210 ha rừng thay thế, còn lại là rừng sản xuất. Các chủ rừng trong tỉnh đã và đang tiến hành trồng rừng theo lịch thời vụ, đảm bảo tiến độ đề ra.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn sản xuất cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của đơn vị và cung ứng ra thị trường.
Theo lịch thời vụ thì ngày 15.9 mới bắt đầu vụ trồng rừng mới trong tỉnh. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị đã tranh thủ trồng trước phù hợp với điều kiện thực tế. Thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng được 15 ha rừng phòng hộ, 311 ha rừng sản xuất. Diện tích trồng rừng còn lại trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện vào các tháng cuối năm khi vào mùa mưa, đảm bảo theo đúng kế hoạch năm 2020.
Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm), cho biết: Để nâng cao chất lượng rừng trồng trong vụ trồng rừng mới, hàng tuần, Chi cục Kiểm lâm cử công chức xuống cơ sở phối hợp các Hạt kiểm lâm ở các địa phương kiểm tra diện tích đất trồng rừng của các chủ rừng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời giám sát quy trình trồng rừng. Cùng với đó, hướng dẫn các chủ rừng trong tỉnh về kỹ thuật trồng rừng; chú trọng quản lý chất lượng cây giống lâm nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp trong tỉnh.
Nhằm tăng khả năng phòng hộ, chống sạt lở đất, bảo vệ môi trường, nhiều chủ rừng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trồng rừng hỗn giao cây mọc nhanh (keo lai) với cây bản địa (lim xanh, sao đen, dầu rái). Trong 3 năm qua, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn đã trồng hơn 53,3 ha rừng hỗn giao cây lim xanh và keo lai. Theo kế hoạch năm 2020, đơn vị trồng thêm 15 ha rừng hỗn giao cây lim xanh và keo lai theo kế hoạch năm nay. Ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, cho biết: “Chúng tôi trồng với mật độ 635 cây lim xanh, 833 cây keo lai/ha theo hướng dẫn. Đến năm thứ 7, sẽ khai thác cây keo, còn cây lim xanh sẽ được chăm sóc để phát triển thành rừng tự nhiên phòng hộ. Đơn vị cũng đã thành lập thêm 3 tổ cộng đồng dân cư bảo vệ rừng tại thôn M6, xã Bình Tân, nâng tổng số lên 12 tổ cộng đồng và khoán quản lý, bảo vệ hơn 13.500 ha rừng tự nhiên phòng hộ”.
Cuối tháng 7.2020, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh) đã trồng lại 330 ha rừng sau khai thác. Trong số này, có 40 ha rừng phòng hộ trồng hỗn giao cây sao đen và keo lai. Ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho biết: “Năm nay, chúng tôi tranh thủ thời tiết có mưa tiểu mãn tiến hành trồng rừng sớm hơn mọi năm. Tất cả các khâu chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới được công ty tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo theo kế hoạch. Công ty cũng đã chăm sóc 1.200 ha rừng trồng vào cuối năm 2019, còn lại 300 ha rừng đang tiếp tục chăm sóc”.
Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn trồng rừng phòng hộ hỗn giao cây lim xanh và keo lai.
5 năm nay, ông Nguyễn Hữu Lộc, ở thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) sử dụng giống keo lai cấy mô để trồng rừng, áp dụng phương pháp xử lý thực bì bằng cách chôn ủ cành, nhánh, vỏ keo sau khai thác để làm phân bón mà không phải đốt thực bì như kiểu lâu nay người trồng rừng vẫn áp dụng. Ông Lộc chia sẻ: “Việc đào hố giặm ủ thực bì vừa bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ cháy rừng, lại tiết kiệm chi phí mua phân bón. Còn sử dụng giống cây cấy mô để trồng rừng thì hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Cuối năm nay, tôi sẽ khai thác 4,6 ha keo lai 7 năm tuổi, rồi sẽ trồng lại 3 ha keo lá tràm, 1,6 ha keo lai với chu kỳ 8 - 10 năm mới khai thác”.
Đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp trong tỉnh đã sản xuất hơn 85,3 triệu cây giống các loại để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho biết: “Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất 3,5 triệu cây keo, bạch đàn cấy mô và 1,5 triệu cây keo lai giâm hom. Hiện tại, đã sản xuất đủ số lượng cây giống cung ứng ra thị trường và phục vụ công tác trồng rừng của đơn vị. Chúng tôi đang làm các thủ tục để đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho hơn 4.100 ha rừng của công ty vào tháng tới; đồng thời sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC của công ty đang xây dựng với diện tích 2 ha tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN