Hành động sớm để ứng phó với biến đổi khí hậu
Bình Ðịnh là một trong những địa phương có nguy cơ cao phải chịu tác động của biến đổi khí hậu, để ứng phó hiệu quả cần có sự “nhìn xa, trông rộng” và những hành động thiết thực. Ðây là vấn đề được UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương quan tâm.
Trạm đo mực nước tự động ở trên cầu An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) góp phần cảnh báo lũ sớm.
Qua các kết quả nghiên cứu, thống kê, cho thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến tình hình thời tiết, khí hậu, mưa bão, lũ lụt ở Bình Định. Trong thời kỳ 1961- 2019, lượng mưa hằng năm trên địa bàn tỉnh tăng với tốc độ từ 4% đến 6%/thập kỷ, còn số ngày nắng nóng trong năm có tăng 6,52 ngày/thập kỷ. Lũ lụt cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh với phạm vi rộng, bình quân mỗi năm xảy ra 3 - 4 đợt lũ, thậm chí có năm xảy ra 8 đợt lũ. Cụ thể, từ năm 1999 đến 2014, do tác động của BĐKH, Bình Định đã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của 10 cơn bão, với 368 người chết, 279 người bị thương, gần 7.000 gia đình có nhà bị sập, 65.500 nhà bị hư hỏng, với tổng thiệt hại trên 6.600 tỷ đồng… Đến năm 2017, chỉ riêng cơn bão số 12 đã làm 33 người chết và mất tích, với thiệt hại trên 1.154 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Hưng, chuyên gia của Trung tâm Ứng phó với BĐKH (Cục BĐKH, Bộ TN&MT), Trưởng nhóm tư vấn về BĐKH tại Bình Định, cho biết: Trong tương lai, Bình Định sẽ phải đối diện trước những nguy cơ do tác động của BĐKH. Theo dự báo, BĐKH sẽ tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, như: Tài nguyên nước; hạn hán và xâm ngập mặn; lũ lụt, lũ quét, sạt lở, ngập úng; nguy cơ ngập do nước biển dâng… Theo đó, tình trạng hạn hán sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh sẽ lên tới 1,35 tỷ m3 và đến năm 2035 tăng lên 1,48 tỷ m3; tổng lượng nước thiếu vào mùa khô đến năm 2025 là 40,7 triệu m3 và đến năm 2035 là 47,2 triệu m3 . Cũng theo dự báo của các nhà khoa học, đến năm 2050, sẽ có khoảng 50.700 người dân trong tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp do nước biển dâng và đến năm 2100 sẽ tăng lên khoảng 65.900 người…
Theo ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT kiêm Giám đốc Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu tỉnh (CCCO Bình Định), trước những thiệt hại và nguy cơ tiềm ẩn do tác động của BĐKH, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cho lập Đề án “Nhiệm vụ xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Bình Định”. Đề án do CCCO Bình Định thực hiện, với sự phối hợp của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Trung tâm Ứng phó với BĐKH là cơ quan tư vấn thực hiện Đề án này. Từ tháng 6.2019, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Ứng phó với BĐKH phối hợp cùng CCCO Bình Định nỗ lực triển khai Đề án, đến tháng 8.2020 thì hoàn thành. Kết quả, đã xây dựng được kịch bản ứng phó với BĐKH, đồng thời đề ra được Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh theo như mục tiêu đề ra.
Đề án xác định nhiệm vụ hành động cụ thể đối với từng sở, ngành, lĩnh vực, trong từng giai đoạn. Như, đối với lĩnh vực tài nguyên đất, yêu cầu đặt ra là cần quy hoạch sử dụng đất có tính đến hiệu quả gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp dưới tác động của BĐKH; ứng dụng công nghệ GIS và sử dụng ảnh vệ tinh, nhằm xác định ảnh hưởng của BĐKH đến sử dụng đất. Đối với lĩnh vực thủy sản, cần ưu tiên phát triển các ngành nghề thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển thủy sản kết hợp trồng rừng bảo vệ bờ, ứng phó nước biển dâng; nghiên cứu các giống thủy sản chịu được sự ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ do BĐKH. Về khí tượng, thủy văn, cần cải tạo, nâng cấp các trạm khí tượng, hải văn để có thể dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan; xây dựng các trạm giám sát BĐKH tại các vùng có nguy cơ cao chịu tác động của BĐKH.
Đối với quy hoạch, xây dựng, cần quản lý chặt chẽ chất lượng công trình xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn; tiếp tục đề xuất di dời các hộ dân ở khu vực triều cường, sạt lở đất và các vùng thiên tai; tiếp tục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước. Về lĩnh vực công thương, cần lồng ghép các vấn đề về BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành; khi quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp cần chú ý đến yếu tố BĐKH. Đối với lĩnh vực GD&ĐT, cần tuyên truyền về công tác ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai trong trường học…
Ông Nguyễn Võ Anh Tuấn, cán bộ CCCO Bình Định, cho biết: Ngày 9.9, Đề án đã được Sở TN&MT nghiệm thu, với kết quả 11/11 phiếu tán thành. Các nhà khoa học, chuyên gia ở Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH, Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH, Bộ TN&MT) đã đánh giáo cao Đề án. Qua đó, thể hiện được sự “nhìn xa, trông rộng” để tùy theo vai trò, chức năng của mình, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh có sự chủ động triển khai ứng phó hữu hiệu trước tác động của BĐKH.
VIẾT HIỀN