Thầm lặng lính công binh
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những “mầm họa” từ bom mìn, vật nổ (BMVN) tồn sót sau chiến tranh vẫn luôn rình rập, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Theo số liệu điều tra công bố năm 2018, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bị ô nhiễm BMVN với diện tích ô nhiễm 246.842 ha, chiếm 40,9% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trọng trách xử lý BMVN tồn sót được đặt lên đôi vai của những người lính công binh.
Lực lượng công binh xử lý một quả bom được người dân phát hiện.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với trung tá La Văn Lợi, Trợ lý công binh của Bộ CHQS tỉnh sau lần xử lý quả bom nặng 750 bảng Anh ở thôn Thuận Nhứt (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn). Dưới cái nắng hơn 40oC, những người lính công binh vẫn miệt mài, cẩn trọng, tỉ mỉ xử lý công việc nguy hiểm. Anh Lợi chia sẻ: “Do hàng chục năm bị vùi lấp trong lòng đất, dưới lòng sông… nên các loại BMVN rất khó nhận dạng, xác định vị trí nguy hiểm như ngòi nổ, kíp nổ. Nhiều quả bom mìn khi phát hiện đang trong tình trạng chờ nổ đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải cẩn trọng trong từng công đoạn. Bất cứ thời điểm nào khi có thông tin cơ sở báo lên chúng tôi luôn có mặt kịp thời để kiểm tra chủng loại, tính chất, mức độ nguy hiểm để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, xác định vị trí, xây dựng kế hoạch xử lý bảo đảm an toàn tuyệt đối”.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng công binh Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện thu hồi và xử lý an toàn 8 quả bom trên 250 bảng Anh và hơn 40.000 đạn pháo các loại. Mỗi quả BMVN được xử lý thành công là gỡ bỏ một phần rủi ro, nguy hiểm cho tính mạng của người dân. Trong đó, có phần công sức mồ hôi của lực lượng công binh. Chỉ khi những khối nổ được vô hiệu hóa hoàn toàn thì họ mới thở phào nhẹ nhõm.
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh Bộ CHQS tỉnh, trước đây, việc xử lý BMVN được thực hiện thủ công là chính với phương pháp dùng dây cháy chậm, nụ xòe, giật dây… nên độ an toàn vẫn còn hạn chế. Hiện nay, đơn vị được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị dò tìm, xử lý hiện đại hơn nên việc xử lý bom mìn an toàn, chính xác hơn. “Xuất phát từ nhiệm vụ đặc thù phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, gian khó, nên lính công binh luôn có bản lĩnh vững vàng, có thể làm việc tốt trong môi trường áp lực cao”, thiếu tá Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ rà phá và xử lý BMVN, những năm qua, lực lượng công binh Bộ CHQS tỉnh còn tập trung tham gia thi công xây dựng, quản lý các công trình phòng thủ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và chính quyền địa phương quy hoạch thế trận phòng thủ. Thiếu tá Võ Văn Trọng, Chính trị viên Đại đội Công binh, bày tỏ: “Với phương châm “an toàn là mệnh lệnh, là mục tiêu số một”, mỗi cán bộ, chiến sĩ công binh luôn đặt tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công việc. Tuy vất vả, gian khổ nhưng chúng tôi luôn cảm thấy tự hào, thường xuyên động viên nhau cùng cố gắng, phấn đấu vượt qua khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tiếp tục lập nên những chiến công trong thời bình”.
ANH TUẤN