Sức bật mới của võ cổ truyền Tây Sơn
Tây Sơn được coi là một trong những cái nôi của võ thuật cổ truyền, với nhiều võ đường, võ sư nổi tiếng. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng truyền thống võ học ở vùng đất này vẫn được nhiều thế hệ gìn giữ, phát huy.
CLB võ thuật Tây Sơn đầu tư bài bản, thu hút đông đảo võ sinh tập luyện.
Thực hiện Đề án xây dựng và phát triển các lò võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh, huyện Tây Sơn có 2 võ đường là Phan Thọ và Hồ Sừng được đầu tư nhiều hạng mục, vừa đảm bảo công tác tập luyện, lưu truyền những tinh hoa của môn phái, vừa là điểm du lịch mang nét đặc trưng riêng, phục vụ du khách tham quan.
Ngoài ra, các võ đường, CLB khác trên địa bàn huyện cũng tích cực duy trì phong trào tập luyện, sẵn sàng tham gia các giải đấu cấp tỉnh. Nhờ đó, tại Giải võ cổ truyền tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2019, huyện Tây Sơn đoạt giải nhì toàn đoàn (10 HCV, 5 HCB, 9 HCĐ; riêng võ đường Phan Thọ đoạt giải ba nội dung đối kháng (4 HCV, 2 HCB). Trước đó, ở Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2017, huyện Tây Sơn đoạt giải nhất toàn đoàn.
Theo ông Trần Thanh Tùng, Thư ký Hội võ thuật huyện Tây Sơn, hiện trên địa bàn huyện có 30 võ đường, CLB, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó đang hoạt động tương đối hiệu quả. Nhưng gần đây, một số võ đường, CLB đã đầu tư, trang bị dụng cụ tập luyện khá bài bản, thu hút đông đảo võ sinh tham gia. Đặc biệt CLB 88 - 91 đã hỗ trợ 5 võ đường, với dây ring, thảm, găng, bao cát… nên các võ đường có điều kiện tốt hơn để tập luyện.
Là một trong những võ đường danh tiếng ở làng võ An Vinh (Tây Vinh, Tây Sơn), những năm qua, võ đường Trần Dần được người con trai út của ông là Trần Trong tiếp quản. Tháng 10.2019, với sự hỗ trợ của CLB 88 - 91, võ đường được đầu tư xây dựng lại bài bản trên diện tích gần 100 m2, trang bị đầy đủ dụng cụ tập luyện, sàn đài. Sau quãng thời gian tập trung làm ăn, lo cho gia đình riêng, cậu cháu ngoại của võ sư Trần Dần là Nguyễn Đình Tín quay về chung tay xây dựng môn phái. “Hiện giờ cậu út chủ yếu đảm nhiệm phần dạy quyền, tôi tham gia huấn luyện đối kháng. Với lực lượng hiện tại, võ đường có khoảng 8 em đủ khả năng thi đấu giải cấp huyện; trong đó có 3 em có thể đánh được ở giải tỉnh. Chúng tôi đang gầy dựng lực lượng để năm sau thi đấu ở Đại hội TDTT huyện Tây Sơn” - HLV Nguyễn Đình Tín chia sẻ.
Trong khi đó, dù mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng qua, CLB võ thuật Tây Sơn (thị trấn Phú Phong) đã thu hút được hàng chục võ sinh, nhờ sự đầu tư thiết bị tập luyện theo hướng hiện đại. Trên diện tích khoảng 250 m2, võ đường được trang bị sàn đài, bao cát, găng, mũ, hệ thống tạ để tập bổ trợ cơ bắp… Đây là CLB do Trần Quốc Hậu mở, sau khi anh giã từ đội tuyển võ cổ truyền Bình Định. Võ sư Lê Xuân Nam, người thầy đầu tiên của Trần Quốc Hậu, cho biết: “Khi biết Hậu có ý định mở CLB, tôi rất ủng hộ. Hiện giờ tôi cùng tham gia với em trong việc hướng dẫn các võ sinh tập luyện hằng ngày. Những kiến thức mà Hậu thu nhận được trong quá trình tập trung đội tuyển tỉnh chắc chắn sẽ rất bổ ích cho các võ sinh trẻ, bởi để có kết quả tốt ở các giải đấu cần bổ sung rất nhiều phương pháp huấn luyện mới, được cập nhật thường xuyên thông qua những trận đấu”.
Ông Trần Thanh Tùng cho biết: “Dù số lượng võ đường, CLB trên địa bàn huyện khá nhiều, nhưng việc tổ chức giải vô địch hằng năm không hiệu quả, do mỗi hạng cân chỉ có vài VĐV đăng ký. Thay vào đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các võ đường tổ chức các đợt võ đài liên tỉnh để VĐV có điều kiện cọ xát. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng các võ đường trong huyện cũng cho võ sinh tập dợt với nhau để quen cảm giác thi đấu, rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn”.
HOÀNG QUÂN