Kỳ ảo hồ Núi Một
Có nhầm không vậy? Không nhầm đâu bạn. Biến đổi khí hậu khiến mấy năm nay, đến tầm tháng 8, tháng 9 hồ Núi Một phơi lòng. Ðứng ở bờ đập nhìn về thượng nguồn, mặt hồ trải dài uốn lượn ngút tầm mắt, rồi khuất sau những dãy núi xa xa. Bạn có thể dạo chơi ở lòng hồ bằng xe máy.
Trong lòng hồ Núi Một có nhiều nơi ngắm cảnh đẹp. Ảnh: AN KHANH
Khu vực lòng hồ cạn nước vào mùa khô đã trở thành đồng cỏ rộng bao la, lớn hơn nhiều lần khu vực còn đọng nước. Theo người dân địa phương, khoảng từ tháng 5 đến hết tháng 8 âm lịch, nước hồ cạn dần, có thể đi xe máy, ô tô hơn chục cây số từ bờ đập đến phía thượng nguồn.
Trải nghiệm đi xe máy trong lòng hồ Núi Một, chúng tôi bỗng dưng nghĩ đến cung đường “không lặp lại” ưa thích đối với những người chạy bộ địa hình, marathon, đó là cảnh vật hai bên liên tục thay đổi và khi quay trở về cũng bằng đường khác. Và còn gì ấn tượng hơn, khi trở lại hồ Núi Một vào mùa mưa, bạn thấy con đường mình đã đi qua giờ nằm sâu dưới đáy hồ có dung tích lên đến 110 triệu m3 nước.
Thác Đổ ở khu vực làng Canh Tiến, xã Canh Liên.
Trên lòng hồ Núi Một rất nhiều đường mòn được tạo thành từ những vòng bánh xe lăn. Lòng hồ rộng mênh mông, bạn có thể đi theo những con đường mòn phía bên cạnh dãy núi, phía gần khu vực hồ có nước, hoặc dong xe “xuyên giữa” hai khu vực này qua những bãi đất trống rộng lớn. Đi lối nào cũng có vô vàn cảnh đẹp, góc máy lạ và điều thú vị riêng để bạn dừng lại ngắm, cùng nhiều khuôn hình ấn tượng.
Mùa này trời đất đã phối sắc vàng, nâu từ đất, sắc xanh lục xanh lam từ các loại cỏ hoa. Thiên nhiên kỳ ảo đến độ có những đoạn đường bạn như đi xuyên qua một “bức tranh trừu tượng” khổng lồ với những biến tấu sắc màu ngẫu hứng. Trên đường đi có nhiều bò thả rông, ngay bên cạnh bò lại có nhiều cò trắng đồng hành kiếm ăn. Ở một khu vực như “thung lũng” khá lớn mà người địa phương gọi là bãi Cây Trâm, tập trung đến vài trăm con bò của người dân ở một số xã của huyện Vân Canh và TX An Nhơn đem vào đây thả suốt mấy tháng mà không cần người trông coi, đến mùa mưa thì chủ mới vào lùa đàn bò của mình về.
Nhà rông ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên.
Sau khoảng hơn 30 phút đi xe máy với tốc độ trung bình, bạn sẽ đến được làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) của người đồng bào Bana. Vào mùa mưa, từ bờ đập muốn vào đây và ngược lại chỉ có thể di chuyển bằng thuyền máy mất trên dưới một tiếng… Ghé vào tìm hiểu đời sống sinh hoạt, lao động của người dân miền núi, bạn nên đến tham quan nhà rông làng Canh Tiến, hiện nằm trong số rất ít nhà rông ở trong tỉnh phần nào còn giữ lại được cách thức dựng theo truyền thống. Tại khu vực núi rừng làng Canh Tiến có Thác Đổ phong cảnh đẹp, gửi xe máy ở nhà dân đi bộ chừng 15 phút là tới, nên khách phương xa thường tìm đến trong hành trình khám phá hồ Núi Một.
● Hồ Núi Một cách TP Quy Nhơn gần 40 km. Từ trung tâm TP Quy Nhơn, bắt đầu xuất phát từ nút giao thông Ðống Ða ra đến gần cầu Thị Nại thì rẽ trái theo QL 19 mới đến ngã tư cầu Bà Gi (huyện Tuy Phước) thì tiếp tục đi thẳng qua cầu vượt theo đường QL 19 đến ngã tư quán Cai Ba (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) rẽ trái đi thêm 9 km nữa là đến hồ.
● Ðường đi xe máy trên lòng hồ Núi Một phần lớn là khá bằng phẳng, chỉ vài đoạn ngắn hơi dốc. Khi đi qua những khe nước nhỏ, lưu ý đi theo dấu có nhiều bánh xe đã qua, phòng tránh đi vào chỗ bùn lầy làm lún xe...
● Trên toàn vùng lòng hồ không có hàng quán, vì vậy bạn nên đem theo sẵn đồ ăn, thức uống. Nếu đi chơi dã ngoại theo nhóm, đem theo dụng cụ và biết cách chế biến, có thể hỏi mua các loại cá nước ngọt được ngư dân đánh bắt ở hồ Núi Một để thưởng thức ngay trong chuyến đi chơi.
HOÀI THU