Xoa dịu nỗi đau da cam ở một huyện miền núi
Giai đoạn 2015 - 2020, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vân Canh là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xoa dịu nỗi đau của nhiều nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện.
Hội NNCĐDC tỉnh tặng giấy khen cho bà Đỗ Thị Bích Phượng - Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Vân Canh.
Bà Đỗ Thị Bích Phượng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) huyện Vân Canh, thông tin: Huyện Vân Canh hiện có 30 nạn nhân (16 nạn nhân là người dân tộc thiểu số) đều có hoàn cảnh sống khó khăn vì bị tật nguyền và mắc các bệnh nặng khiến cho sức khỏe giảm sút; rồi khi lập gia đình sinh con ra, con cũng bị nhiễm chất độc da cam. “Bản thân họ không đủ sức khỏe để làm việc, mưu sinh lại phải nuôi những đứa con quặt quẹo như nhà ông Đinh Hùng, hai vợ chồng đi thoát ly, về gặp nhau rồi sinh ra 4 người con, cả 4 đều bị nhiễm chất độc. Bà nhiễm nặng, sức khỏe yếu nên mất rồi, còn mình ông với những đứa con quặt quẹo. Ở huyện này, tình trạng hai mẹ con hay hai cha con bị nhiễm da cam là khá phổ biến”, bà Phượng xót xa chia sẻ.
Chúng tôi đến thăm nạn nhân Đinh Ka Nu ở khu phố Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh). Vào trong nhà, chỉ thấy có mỗi Đinh Ka Nu nằm trên sàn. Nghe có tiếng động, chị giương mặt nhìn chúng tôi rồi nở nụ cười rạng rỡ. Bà Phượng bảo, kể từ khi em trai ruột của chị Nu mất vì căn bệnh ung thư, người em dâu phải tảo tần làm thuê làm mướn nuôi hai con còn nhỏ. Vậy là cũng từ đó, chị thường phải ở nhà một mình khi hai cháu đi học. Cho nên, thấy có người đến là Nu mừng, miệng ú ớ, đầu lắc lư, ánh mắt như biết cười. Hơn 40 năm nằm một chỗ, tứ chi teo dần lại do di chứng của chất độc da cam, Nu được Hội NNCĐDC huyện Vân Canh quan tâm giải quyết mọi chế độ chính sách và vận động, giới thiệu một số nhà hảo tâm trao tặng tiền, quà hỗ trợ. Bà Phượng bảo, sự hỗ trợ dành để chạy chữa cho nạn nhân và san sớt gánh nặng mưu sinh để người nhận nuôi dưỡng họ có thêm thời gian, sức khỏe mà toàn tâm chăm sóc cho người thân của mình.
Với tinh thần đó, 5 năm qua, Hội NNCĐDC huyện Vân Canh luôn nỗ lực làm tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao. Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, giải quyết các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân luôn kịp thời và hiệu quả. Để có kinh phí hỗ trợ nạn nhân, Hội và các cấp hội trực thuộc thường xuyên vận động nhiều nguồn lực xây dựng quỹ hội. Kết quả, trong 5 năm, đã vận động được 563 triệu đồng, trong đó Hội của huyện hơn 461,2 triệu đồng, hội cấp cơ sở hơn 100 triệu đồng, tổ chức tặng 513 suất quà trị giá gần 180 triệu đồng cho các nạn nhân nhân dịp lễ, Tết và hỗ trợ họ lúc xảy ra thiên tai. Hội còn trợ cấp khó khăn thường xuyên cho 26 người (100 nghìn đồng/tháng), giới thiệu để Trung ương Hội thăm và tặng quà cho nạn nhân Đinh Thị Vác (làng Kà Te, xã Canh Thuận) trị giá 5,5 triệu đồng, Hội Từ thiện của phụ nữ TP Quy Nhơn thăm, tặng quà cho nạn nhân Đinh Ka Nu 9 triệu đồng, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện về khám, cấp thuốc cho nạn nhân và người hoạt động kháng chiến ở xã Canh Liên và làng Canh Giao (xã Canh Hiệp)... Đều đặn hằng năm, Hội tổ chức đưa nạn nhân đi xông hơi và giải độc tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ giải ngân cho nạn nhân vay chăn nuôi không lãi suất của Hội NNCĐDC tỉnh và huyện Vân Canh đã giải quyết cho 3 nạn nhân vay vốn giải quyết việc làm - mỗi người 3 triệu đồng, thời hạn 1 năm. Kết quả, đã giúp nạn nhân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Đang say sưa chuyện trò về hoạt động của Hội trong 5 năm qua, bà Phượng chợt giật mình, gọi điện thoại cho ai rồi quay sang cười, bảo: “Tự nhiên nhớ tới trường hợp nạn nhân ở Canh Liên, đang được hỗ trợ 30 triệu đồng tiền xây lại căn nhà đã cũ nát. Hôm rồi, họ xuống bảo tôi, tiền vận chuyển vật liệu lên đó cao quá, sợ xây không đủ số tiền này. Tôi tính vận động thêm cho họ chút ít, để họ yên tâm xây cất cho đàng hoàng, chắc chắn”. Bà nhẩm tính, căn này nữa là căn thứ 11 của nạn nhân được hỗ trợ xây lại. Từ năm 2015 đến nay đã có 6 nạn nhân được hỗ trợ xây lại nhà (từ 30 - 40 triệu đồng/căn) từ nguồn tài trợ của Hội CTĐ tỉnh, Hội NNCĐDC tỉnh và nhà hảo tâm. Nếu tính cả khi Hội mới thành lập thì đã có tổng cộng 10 căn nhà mới cho nạn nhân.
Theo Hội NNCĐDC tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, Hội huyện Vân Canh là một trong những địa phương hoạt động nhiệt tình và hiệu quả nhất với ưu điểm là đi sâu, đi sát vào từng đối tượng và vận động tốt các nguồn lực. Có được điều này là nhờ công tác xây dựng, tổ chức Hội rất bài bản với 7 xã, thị trấn đều thành lập hội, hằng năm duy trì chất lượng hoạt động và không ngừng phát triển hội viên. Một ưu điểm khác, theo ông Nguyễn Khắc Minh, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh là công tác tuyên truyền rất hiệu quả. “Hàng năm, nhân ngày Kỷ niệm Ngày da cam Việt Nam 10.8 và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam, 6 xã và 1 thị trấn đều tổ chức kỷ niệm, gặp mặt nạn nhân, phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền, đưa tin hoạt động và kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng. Điều này làm cho mỗi hội viên cùng cộng đồng xã hội hiểu rõ tính chất nguy hiểm, hậu quả nặng nề của thảm họa da cam đối với môi trường và con người. Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học, xoa dịu nỗi đau do ảnh hưởng của chất độc da cam vừa là vấn đề cấp bách vừa là việc làm lâu dài”, ông Minh trao đổi.
NGỌC TÚ