Việc làm cho lao động nông thôn: Những tín hiệu vui
Lao động nông thôn có việc làm tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương lúc nông nhàn là những tín hiệu vui tại Tây Sơn, Vĩnh Thạnh góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Xe đưa đón công nhân đón lao động trên địa bàn huyện Tây Sơn đến nhà máy làm việc. Ảnh: ÁNH NGUYÊN
Tây Sơn: Thu hút lao động làm việc tại các khu công nghiệp
Gần đây, các công ty, xí nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh thu hút lượng lớn lao động huyện Tây Sơn đến làm việc. Ước tính, mỗi ngày có trên 500 lao động đổ về các khu công nghiệp để làm việc. Từ 4 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, vài chục chiếc xe đưa đón công nhân của một số công ty, xí nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp thuộc TP Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước... xuất phát theo tuyến tập trung đưa đón công nhân từ các xã, thị trấn của huyện Tây Sơn về nơi sản xuất làm việc.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi) ở thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa, chia sẻ: “Trước đây tôi làm công nhân giày da tại TP Hồ Chí Minh. Bây giờ, cả hai vợ chồng đều làm việc tại Công ty CP Thương mại sản xuất Khải Vy (TP Quy Nhơn) với mức lương trên 7 triệu đồng/ người/tháng; không cao như làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhưng bù lại, vợ chồng tôi được làm gần nhà, tiện chăm sóc con cái”.
Còn bà Khổng Thị Bích Loan, 50 tuổi, ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, chia sẻ: “Trước kia, tôi làm việc tại các lò gạch, ngói thủ công. Ba năm nay, sau khi các lò gạch, ngói ngừng hoạt động, tôi xin vào các công ty chế biến gỗ làm việc. So với làm gạch, công việc tại các công ty gỗ nhẹ nhàng hơn. Hiện tôi đang làm tại Công ty TNHH Phước Thuận Phát (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước). Bây giờ đã quen việc nên mỗi tháng tôi có thu nhập trên 6 triệu đồng”.
Ông Lâm Văn Lành, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn, cho biết: “Số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm ở Tây Sơn rất nhiều do các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện còn khá ít; một lượng lớn lao động thất nghiệp sau khi nhà máy đường đóng cửa, các lò sản xuất gạch, ngói thủ công ngừng hoạt động; công nhân từ các tỉnh thành mất việc trở về địa phương do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid- 19... Trước tình hình đó, việc “đầu quân” vào các xí nghiệp, công ty trong tỉnh được nhiều người lựa chọn để giải quyết bài toán kinh tế và việc làm”.
Vĩnh Thạnh: Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn
Thực tế cho thấy, để xóa đói giảm nghèo một cách bền vững ở nông thôn thì vấn đề cơ bản nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ có thu nhập ổn định từ điều kiện thực tế và tiềm năng sẵn có của địa phương. Xác định rõ những yếu tố đó, thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã có các giải pháp cụ thể trong giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn.
Anh Đinh Văn Điếk, ở làng 2, xã Vĩnh Thuận, đã có 2 năm tham gia làm việc các công trình trên địa bàn huyện. Với anh, đi làm ở các công trình tuy nặng nhọc, vất vả nhưng bù lại có công việc thường xuyên và thu nhập ổn định. Vậy nên, cứ sau những ngày mùa vụ ở gia đình, anh Điếk lại đến các công trình ở địa phương xin việc làm. “Chỉ trừ những ngày mùa, thời gian còn lại trong năm, tôi làm tại các công trình trên địa bàn xã và các địa phương lân cận. Như năm nay, ở Vĩnh Thuận có nhiều công trình được xây dựng như hệ thống kè, kênh mương thoát lũ... nên công việc từ đầu năm đến giờ nhiều. Trong làng cũng có mấy anh em cùng làm ở đây. Nhà không có nhiều đất đai nên đi làm ở các công trình giúp cho tôi có công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định”, anh Điếk chia sẻ.
Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng nguồn lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp lại khá dồi dào, chiếm tới 85%. Để khai thác tiềm năng lao động lúc nông nhàn, huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn kết hợp giữa tạo việc làm và đào tạo nghề, nâng cao trình độ của người lao động để giải phóng nguồn lao động nông thôn. Huyện đã vận động các DN xây dựng sử dụng lực lượng lao động tại chỗ để giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Ông Phạm Văn Khanh, chủ thầu xây dựng công trình kênh mương tại xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi sử dụng lao động tại chỗ, trong đó có nhân công người Bana khá đông. Sử dụng nhân công tại chỗ cũng có nhiều thuận lợi, vì nhà họ gần nên việc đi lại thuận tiện, thời gian làm việc đảm bảo và họ lại làm việc rất nhiệt tình”.
Mỗi năm huyện Vĩnh Thạnh có trên 3.500 lao động được giải quyết việc làm, trong đó ngoài số nhân công làm việc tại các công ty, nhà máy ở Cụm công nghiệp Tà Súc thì nhân công lao động tại các công trình khác cũng chiếm quá nửa. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là trong thời điểm nông nhàn chính là bài toán mà huyện Vĩnh Thạnh đã và đang tập trung giải quyết nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
ÁNH NGUYÊN - XUÂN DŨNG