Nâng cao hiệu quả bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ
Thời gian qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được ngành chức năng của tỉnh và các địa phương chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản vẫn còn tái diễn, cần phải có giải pháp mạnh hơn nữa để xử lý triệt để tình trạng này.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện toàn tỉnh có hơn 200 phương tiện công suất nhỏ khai thác thủy sản (KTTS) trên đầm Đề Gi (huyện Phù Cát), đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước), đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) bằng nghề xung điện, xiếc máy. Ngoài ra, có hơn 700 hộ làm nghề lưới lồng, bơm hút phễnh. Việc KTTS bằng nghề cấm đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản (NLTS), hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên tại vùng đầm, vùng ven biển, gây bức xúc cho ngư dân làm các nghề KTTS khác.
Thuyền làm nghề xung điện, xiếc máy ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn).
Ông Nguyễn Văn Hai, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), làm nghề lưới gõ trên đầm Thị Nại, bức xúc: “Đầm Thị Nại tập trung nhiều loài thủy sản và là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân sống ven đầm từ bao đời nay. Nhưng từ khi nghề xung điện, xiếc máy, hút phễnh, giã cào bay xuất hiện thì nguồn thủy sản trong đầm suy giảm, ngày càng cạn kiệt. Nếu cứ để những nghề này hoạt động thì thủy sản trong đầm sẽ chẳng còn gì”.
Huyện Tuy Phước là địa phương có phương tiện hoạt động nghề cấm chiếm số lượng nhiều cả tỉnh, tập trung nhiều nhất tại xã Phước Thuận với cả trăm thuyền xung điện, xiếc máy, lưới lồng, hút phễnh. Ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: “Dù biết hộ đó làm nghề cấm, nhưng quy định hiện tại chỉ xử lý được phương tiện khi hành nghề, không thể xử lý khi đang neo đậu. Trong khi họ thường hành nghề vào ban đêm, có bố trí người trong bờ cảnh giới, nếu phát hiện lực lượng chức năng là gọi điện báo cho người trên thuyền vứt bỏ ngư cụ cấm xuống nước để phi tang, thậm chí có trường hợp còn chống đối lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện”.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành Thủy sản phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động KTTS ven bờ. Năm 2019, đã tổ chức 47 chuyến tuần tra, phát hiện và xử phạt 71 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 237 triệu đồng. Riêng 8 tháng đầu năm nay, đã tổ chức 7 chuyến tuần tra tại các khu vực biển Nhơn Lý - Nhơn Hải, Nhơn Châu - Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn); vùng biển Phù Cát và đầm Đề Gi; khu vực cảng cá Đề Gi và cảng cá Quy Nhơn. Qua đó kiểm tra 279 lượt tàu cá, xử phạt 11 trường hợp vi phạm với số tiền 58,5 triệu đồng.
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát hoạt động KTTS vùng biển ven bờ tại khu vực cửa biển Quy Nhơn.
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để nâng cao hiệu quả bảo vệ NLTS ven bờ, tháng 5.2020, Chi cục đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), UBND TP Quy Nhơn thành lập nhóm cộng đồng bảo vệ NLTS ven bờ và giao quyền quản lý khu vực Bãi Dứa - xã Nhơn Lý. Hiện, Chi cục đang hướng dẫn các xã Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng xây dựng mô hình đồng quản lý được giao quyền theo Luật Thủy sản 2017 vào cuối năm nay. Đồng thời, phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động các nhóm đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ khu vực đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại. Cùng với đó, ngành Thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành danh mục nghề cấm, ngư cụ cấm trình UBND tỉnh ra quyết định để làm cơ sở xử lý .
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: “Sở đã hoàn thiện dự thảo danh mục nghề cấm, ngư cụ cấm và tham mưu UBND tỉnh ban hành; trong đó, có bổ sung các nghề cấm, ngư lưới cụ cấm, như: Nghề hút phễnh, gọng xiếc… Hiện tại, UBND tỉnh đã trình Bộ NN&PTNT để tham vấn ý kiến. Danh mục này sau khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp nghiêm hơn, đó là xử lý phương tiện, ngư cụ làm nghề cấm từ lúc đang neo đậu, chứ không phải lúc đang KTTS như hiện nay”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN