Tăng tốc đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Năm 2020 là năm cuối thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QÐ-TTg. Các lớp nghề cho lao động nông thôn đang tăng tốc để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo điều kiện chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, tổng kinh phí phân bổ cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 là 12,38 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 10,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương phân bổ và 1,4 tỷ đồng từ nguồn địa phương. Đến ngày 31.8, các huyện, thị xã, thành phố đã mở lớp đào tạo cho gần 4.100 người.
Cần cù sau giờ làm việc
Vì đối tượng học nghề là nông dân, ngư dân, tiểu thương, người dân tộc thiểu số... nên phần lớn các lớp nghề đều được tổ chức ngoài giờ làm việc hoặc vào cuối tuần để tạo điều kiện cho học viên đến lớp.
Người lao động xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) thực hành kỹ thuật ngâm, ủ rơm để làm nấm tại lớp dạy nghề trồng nấm.
Hai buổi mỗi tuần, 35 phụ nữ ở phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) tập trung từ 6 giờ tối tại UBND phường để học nghề chế biến món ăn. Chị Võ Thị Tường Vi (giảng viên Trường CĐ Bình Định, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định mời phụ trách lớp) cho biết: “Học viên của lớp là tiểu thương, người lao động, nội trợ nên đều chọn giờ buổi tối để đảm bảo việc học. Có chị đến lớp khi vừa dọn xong hàng quán, vừa kết thúc buổi làm việc, quần áo còn xuề xòa, mướt mồ hôi nhưng đến lớp là bắt tay vào thực hành, mạnh dạn đặt câu hỏi cho điều chưa rõ. Tôi cố gắng đầu tư cho các buổi dạy, cập nhật các thực đơn mới phù hợp với bữa ăn gia đình hoặc nấu đám tiệc để giúp các chị. Và chính tôi cũng học được thêm được nhiều điều từ kinh nghiệm nấu nướng của các chị”.
Chị Nguyễn Thị Thái Hòa (46 tuổi, ở KV 4, phường Bùi Thị Xuân) nói: “Tôi học để trước mắt phục vụ nấu ăn cho gia đình. Chuyện nấu nướng, tưởng là chị em mình rành hết rồi nhưng đi học mới vỡ ra nhiều lắm. Sau các buổi học, mình áp dụng kiến thức mới ngay. Chẳng hạn, tôi sẽ không dùng lại nước ướp thực phẩm như thói quen lúc trước, không nêm bột ngọt nhiều, biết thịt bò ngon nhất khi ướp cùng xì dầu, thịt heo thì phải đi cùng nước mắm...”.
Là người nấu ăn cho công nhân Công ty TNHH Trường Huy (Khu công nghiệp Phú Tài) đã 6 - 7 năm, chị Trần Thị Thành (54 tuổi, ở KV 7, phường Bùi Thị Xuân) kể: “Tôi đi học trước hết là để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhưng, càng học càng mê vì mình học được nhiều thứ hay ho quá, nhất là các món mới mà trước giờ mình chưa tiếp cận bao giờ”.
Phát huy hiệu quả sau đào tạo
Nhìn lại hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước đánh giá: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện tăng từ 32,3% (năm 2010) lên 53,2% (cuối năm 2019). Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tác động đáng kể đến công tác giảm nghèo. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, như liên kết đào tạo nghề may công nghiệp giữa cơ sở đào tạo với các DN (đã phối hợp đào tạo nghề cho 150 công nhân tại Công ty TNHH SX-TM-DV may Phước Sơn); đào tạo nghề do các DN trực tiếp đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; thành lập các tổ, nhóm hợp tác làm nghề đan nhựa giả mây, may công nghiệp, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh... Đầu năm 2020 đến nay, huyện Tuy Phước đã mở 23 lớp nghề/769 học viên, trong đó có 9 lớp dạy nghề lĩnh vực nông nghiệp và 14 lớp nghề lĩnh vực phi nông nghiệp.
Ở huyện Tây Sơn, có 13 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn đã được thực hiện trong năm 2020. Trong đó, có 7 lớp nghề phi nông nghiệp về kỹ thuật chế biến món ăn, đan nhựa giả mây và điện dân dụng; 6 lớp nghề nông nghiệp về quản lý dịch hại tổng hợp, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; trồng và nhân giống nấm; nuôi và phòng trị bệnh cho gà.
Ông Tạ Ngọc Định, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho biết: “Tập trung cho năm cuối thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, huyện tiếp tục triển khai các lớp nghề phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương, định hướng chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác. Các lớp nghề liên quan đến trồng chè, bưởi da xanh được duy trì. Địa phương mở thêm lớp dạy nghề mới là kỹ thuật trồng nấm”.
Mới đây, Ðoàn công tác liên ngành của tỉnh đã tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đoàn công tác sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể, khách quan về kết quả, hạn chế cần khắc phục, giải pháp trong thời gian tới đối với công tác này.
Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Ðảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề đến người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề; lồng ghép các chương trình, dự án gắn với đào tạo nghề; quan tâm hơn nữa về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi nghề phù hợp với định hướng của từng địa phương. Ưu tiên nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các đối tượng là lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động tại các xã xây dựng nông thôn mới, đúng với thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch phù hợp…
NGUYỄN MUỘI