Cảnh báo sốt xuất huyết nặng ở trẻ
Gia tăng ở cả người lớn và trẻ em, nhưng các bác sĩ khuyến cáo số ca bệnh sốt xuất huyết Dengue ở mức cảnh báo và nặng ở trẻ có chiều hướng tăng, diễn biến nhanh, phức tạp. Ðặc biệt, khi sốt xuất huyết đang mùa cao điểm, từ tháng 9 - 11.
Nhiều ca bệnh nặng, tổn thương tạng
Đến chiều 19.9, trong 23 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (SXH) điều trị tại khoa Nhi (BVĐK tỉnh), có 2 trẻ mắc bệnh ở mức độ cảnh báo.
Bệnh nhi N.T.H.G. (13 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) chuyển viện chiều 16.9 từ TTYT huyện Phù Cát vào khoa Nhi ở ngày thứ 6 của bệnh SXH trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, tiểu ít. Kết quả xét nghiệm, tiểu cầu giảm còn 70.000/mm3 (bình thường từ 150 nghìn - 500 nghìn/mm3), men gan tăng cao hơn 800 UI/L, tổn thương gan. Bệnh nhân được truyền dịch điện giải và bổ sung vitamin K1 ngừa rối loạn đông máu; đến nay sức khỏe ổn định. Bà N.T.P - bà ngoại bé G., cho biết: “Mấy hôm trước, cháu đi học về bảo đau đầu, lại thấy hơi sốt chỉ nghĩ là bị cảm. Bệnh trở nặng, cũng may vào viện rồi được chuyển viện kịp thời”.
Bệnh nhi N.T.H.G. (13 tuổi, xã Cát Tân, huyện Phù Cát) mắc SXH ở mức cảnh báo đang được điều trị tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh.
Bác sĩ Trần Thị Cẩm Quyên cho hay: Số trẻ mắc SXH nhập viện khoa Nhi tăng đều ngay từ đầu năm đến nay. Lượng bệnh ở mức cảnh báo và nặng nhiều hơn mọi năm, một số trẻ bị sốc, rối loạn đông máu, suy tạng. Đơn cử như trường hợp N.Q.T. (6 tuổi, ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) được TTYT huyện Vân Canh chuyển viện đến khoa Nhi chiều 7.9. Xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm rất thấp, chỉ còn 5.000/mm3; men gan tăng cao 300 UI/L; men tim tropomin T tăng cao 115 pg/ml dễ dẫn đến tổn thương tim. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, huyết áp tụt kẹp phải thở CPAP, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, truyền dịch cao phân tử.
Đặc biệt, các bác sĩ của khoa Nhi đã cứu thành công ca SXH nặng nhất của năm nay là trường hợp cháu V.L.T.K. (7 tuổi, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Bệnh nhi được chuyển viện từ TTYT TX An Nhơn, với chẩn đoán SXH cảnh báo kèm viêm phổi, sốc, tổn thương đa tạng nặng (tim, gan), suy hô hấp, rối loạn đông máu… Các bác sĩ phải điều trị tích cực, sau 18 ngày thở máy bệnh nhi mới ổn định.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho hay: Bệnh SXH ở trẻ chuyển nặng nhanh, phức tạp. Thậm chí trẻ đang điều trị tại bệnh viện ở ngày thứ 4 vẫn không hạ sốt, nhưng bước sang đầu ngày thứ 5 là chuyển sốc. Khoa đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc SXH gây tổn thương não, tim, thận, gan, phổi… rất phức tạp. Do đó, trong điều trị SXH, bác sĩ phải theo dõi rất sát bệnh nhi để có phác đồ phù hợp cho từng giai đoạn bệnh, và cho từng cơ địa bệnh nhi.
Hết sốt không có nghĩa là khỏi bệnh
Không ít trường hợp người nhà của trẻ hoảng hốt đi gặp bác sĩ cho biết con đã hạ sốt, nhưng sau đó vào sốc, nguy hiểm. Bác sĩ Phạm Văn Dũng khẳng định: Đó là một trong những sai lầm trong chăm sóc và điều trị SXH. SXH chia thành 3 giai đoạn bệnh: Giai đoạn sốt cao (ngày thứ 1 đến cuối ngày thứ 3); giai đoạn hạ sốt (ngày thứ 4 - 6); giai đoạn phục hồi (ngày thứ 7 trở đi). Nguy hiểm nhất là giai đoạn hạ sốt, vì người nhà thường chủ quan khi thấy bé đã hạ sốt. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm các triệu chứng nặng của SXH bắt đầu xuất hiện rõ rệt, như: Xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Tùy mức độ cũng như biến chứng có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa… vô cùng nguy hiểm.
Theo Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, bác sĩ Võ Bảo Dũng, trong hơn 2.000 ca mắc SXH cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, trẻ em chiếm khoảng 50%. Đáng chú ý, tỷ lệ bệnh nhi SXH có dấu hiệu cảnh báo, nặng nhiều hơn ở người lớn. Từ tháng 2.2020 đến nay, tại khoa Nhi có hơn 900 bệnh nhi mắc SXH, trong đó hơn 300 trường hợp ở mức độ cảnh báo và nặng (riêng tổn thương gan 5 ca, tổn thương tim 1 ca). Từ nay đến cuối năm là mùa cao điểm, bệnh sẽ còn tăng.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng khuyến cáo: Giai đoạn đầu khi bị SXH rất dễ nhầm với các bệnh khác, cần phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cảnh báo của trẻ, nhất là những triệu chứng điển hình, như: Đau bụng, xuất huyết dưới da, mất nước, nôn ói… Trẻ mắc SXH từ ngày thứ 4, nếu hết sốt mà vẫn lừ đừ, da tái, mồ hôi rịn, tiểu ít thì phải đặc biệt lưu ý. Trẻ bị SXH chỉ dùng Paracetamol đơn chất để hạ sốt cho trẻ, tuyệt đối không tự ý dùng Ibuprofen dễ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa nặng.
MAI HOÀNG