Hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả của cơn bão số 5
Tính đến 17 giờ ngày 20.9, bão số 5 đã làm 6 người chết; 112 người bị thương; 13 nhà bị sập hoàn toàn; 22.716 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 36 điểm trường bị ảnh hưởng; 3.888 ha lúa, hoa màu bị ngập...
Để tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 12/CĐ-TWPCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Công nhân đang sửa chữa điện tại thành phố Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Các tỉnh cùng các ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả của bão, tổ chức vệ sinh môi trường, xử lý, khôi phục các công trình bị hư hại, sự cố (viễn thông, điện lực, giao thông, thủy lợi, công trình công cộng), các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Các bộ, ngành địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, kịp thời thông tin, cảnh báo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 20.9, bão số 5 đã làm 6 người chết; 112 người bị thương; 13 nhà bị sập hoàn toàn; 22.716 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 36 điểm trường bị ảnh hưởng; 3.888 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại và 105ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại.
Bên cạnh đó, đã có 217 cột điện bị gãy đổ; 7 trạm biến áp bị hư hỏng; 3 trụ thông tin bị gãy; 43 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ (Thừa Thiên-Huế); 103km dây điện hạ thế bị đứt (Thừa Thiên-Huế). Nhiều địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sự cố và mất điện.
Ngoài ra, có 16,5km bờ biển, bờ sông bị sạt lở, trong đó 6,2km bờ biển bị ăn sâu 5-10m, một số nhà quản lý vận hành hồ chứa, trạm bơm bị tốc mái tại tỉnh Thừa Thiên-Huế; 25km đường quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng đất đá khoảng 11.000m3 (trong đó tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở 24km); 11km đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (trong đó tỉnh Quảng Nam sạt lở 10,4km).
Ngành giao thông phối hợp với địa phương tổ chức khắc phục, đến sáng 20.9 cơ bản đã thông xe các tuyến đường bị ảnh hưởng bởi bão số 5.
Tại Thừa Thiên-Huế, cơn bão số 5 đã gây thiệt hại cho tỉnh ước tính khoảng 505 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân và hỗ trợ khẩn cấp 250 tỷ đồng để xử lý 2,77km kè biển.
Để giúp người dân ổn định cuộc sống, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động các lực lượng chức năng nỗ lực dọn dẹp hiện trường và khắc phục hậu quả do bão gây ra đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người chết hoặc bị thương.
Lực lượng công an, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động hơn 2.500 cán bộ chiến sỹ cùng 3.864 lượt chiến sỹ, dân quân cơ động của 145 xã phường, thị trấn cùng các phương tiện tham gia di dời dân, giúp người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây xanh để khai thông các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Đến nay, người dân và các lực lượng tại các địa phương đã khắc phục được hơn 14.380 nhà bị tốc mái.
Đặc biệt, trong sáng 20.9, Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế phối hợp với các đơn vị đoàn cơ sở gồm Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công ty cây xanh và Thành đoàn Huế đồng loạt ra quân thực hiện Ngày Chủ Nhật Xanh lồng ghép khắc phục hậu quả do bão số 5 gây ra.
Tại Quảng Nam, ngay sau khi bão số 5 đi qua, toàn bộ hệ thống chính trị cùng các cấp chính quyền và các sở, ban ngành, hội đoàn thể cùng nhân dân tại các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương khắc phục các thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định lại đời sống và sản xuất.
Chính quyền các cấp tại các địa phương đã và đang cùng các hội, đoàn thể đi thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, động viên các gia đình bị ảnh hưởng. Đối với các gia đình bị thiệt hại nặng về nhà cửa, chính quyền cơ sở đã bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư cho người dân.
Mặt khác, chính quyền các cấp đã và đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức vệ sinh môi trường.
Các Sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn, Giao thông-Vận tải huy động lực lượng về các địa phương, phối hợp với chính quyền và nhân dân khẩn trương khôi phục sản xuất; kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Sở Công Thương và Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hệ thống điện bị hư hỏng, gãy đổ..., góp phần ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất và thông tin liên lạc cho người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng bão số 5 trong 2 ngày 18-19.9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 2 người bị thương, 126 nhà dân vị ngập từ 1-3m; 10m kè bị xói lở, 6 đập thủy lợi bị hư hỏng, tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở 6 điểm, quốc lộ 14G bị sạt lở 1 điểm, 10.400m đường của các địa phương bị xói lở, 5 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, 10 điểm trường bị ảnh hưởng, 33 phòng học bị ngập nước, 145ha lúa bị thiệt hại, 28ha hoa màu bị ngập úng, hư hại, 61 con gia súc và 350 con gia cầm bị chết... Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 117,5 tỷ đồng.
Theo (TTXVN/Vietnam+)