Không để dịch chồng dịch trong mùa Đông Xuân
Sáng 21.9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, với các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố và tại các quận, huyện, thị xã.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định Hội nghị tiếp tục tập trung vào các biện pháp phòng dịch, tuyệt đối không để dịch chồng dịch, đặc biệt thời tiết mùa Đông Xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, bạch hầu và sốt xuất huyết.
Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020.
“Chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng đồng thời cùng phải phòng chống các dịch bệnh khác. Không để một địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Theo đó, các cấp, các ngành và nhất là người dân cả nước không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Đồng thời, ngăn chặn nguồn lây hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, nguy cơ bùng phát dịch tại mỗi khu vực, vùng miền là khác nhau, theo đó, ngành y tế cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình và yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại từng khu vực, từng thành phố và làm rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân tiềm ẩn bùng phát dịch trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích này sẽ đề xuất các hoạt động, biện pháp trọng tâm trong phòng dịch để nâng cao hiệu quả chống dịch.
Cuộc chiến chống Covid-19 đã cho thấy, tầm quan trọng của việc giám sát và phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Đây cũng là chiến lược trong phòng, chống và ứng phó các dịch bệnh khác. Trong đó, quan trọng nhất là duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
“Với các dịch bệnh có vaccine, công tác tiêm chủng là yếu tố hàng đầu để phòng bệnh. Dịch bạch hầu xảy ra ở một số tỉnh Tây Nguyên, thì đa số các ca bệnh xuất hiện ở “vùng lõm tiêm chủng”. Do vậy, vấn đề đặt ra là các biện pháp duy trì tỷ lệ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ này đặc biệt tại các vùng lõm”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Từ các điểm cầu, các chuyên gia hàng đầu về vệ sinh dịch tễ, phòng chống bệnh truyền nhiễm… đã chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong phòng chống dịch bạch hầu và sốt xuất huyết đang vào mùa hiện nay.
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 198 ca mắc bạch hầu, trong đó, khu vực Tây Nguyên có 172 trường hợp, với nhiều ca tử vong cả ở người lớn và trẻ em. Hướng dẫn các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Theo đó, trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng.
“Tốt nhất nên hoàn thành mũi tiêm thứ 3 khi trẻ trước 6 tháng tuổi. Đảm bảo tỷ lệ tiêm vaccine trên 95% ở tất cả các xã, phường trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Với trẻ em dưới 1 tuổi và người lớn chưa tiêm chủng hay không nhớ tiền sử tiêm chủng cần phải tiêm 3 mũi vaccine bạch hầu cơ bản”, PGS.TS Trần Như Dương nói.
Một trường hợp sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa.
Với dịch sốt xuất huyết, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng chống bệnh. PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa HSTC, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cũng cập nhật phác đồ điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em.
Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Trong đó, 57% ca mắc ghi nhận tại miền Nam, 33% tại miền Trung, Tây Nguyên chiếm 6% và miền Bắc là 4%. Hà Nội và TP HCM nằm trong danh sách 10 tỉnh thành có số ca mắc cao nhất, với lần lượt 1.993 ca và 13.322 ca. Đến nay, dịch sốt xuất huyết không có diễn biến bất thường so với các năm trước. Xu hướng gia tăng số ca mắc những tuần gần đây cơ bản giống với các năm trước và giai đoạn trước.
Theo Thiên Bình (VOV.VN)