Ra khơi mùa biển động
Năm nay biển động liên tục và kéo dài. Dù vậy, nhiều tàu cá vẫn bám biển đánh bắt và trúng đậm. Giữa biển khơi muôn trùng hiểm nguy, chuyện gặp nạn trên biển là khó tránh khỏi. Những lúc ấy, may mắn cộng với sự giúp đỡ tích cực từ các lực lượng biên phòng, hải quân đã củng cố niềm tin ở ngư dân, thúc giục họ tiếp tục bám biển mưu sinh và khẳng định chủ quyền biển đảo.
Bám biển mùa giông tố
Từ đầu năm đến nay, đã có 15 cơn bão quét qua biển Đông và gần chục cơn áp thấp nhiệt đới làm biển động liên tục, gây nhiều khó khăn cho việc đánh bắt của ngư dân trên biển. Thế nhưng, theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân thì thường trước và sau khi những cơn bão đi qua là lúc dòng hải lưu xáo động mạnh, mang theo những luồng cá, mực di cư kiếm mồi. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn khiến nhiều người vẫn vượt sóng to, gió lớn để ra khơi. Nhiều tàu may mắn trúng luồng cá, thu về hàng trăm triệu đồng, trở nên giàu có, nhưng cũng không ít người bỏ mạng trong cơn cuồng phong bất ngờ của đại dương.
Tàu cá BĐ 96950-TS của ông Huỳnh Thế Giới (61 tuổi, ở xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) vừa trở về đất liền sau 6 chuyến ra khơi liên tiếp giữa mùa biển động. Và được mùa. Có chuyến trúng đậm, mỗi ngư dân được chia 15 - 20 triệu đồng.
Vui mừng vì được mùa biển nhưng ông Giới vẫn không giấu được cảm giác chua xót, bất lực khi nói về những lúc tàu gặp rủi ro trên biển: “Đã chấp nhận sống bằng nghề biển thì phải biết đối diện với giông bão bất ngờ. Khi gặp bão tố, tàu chìm, người nào bơi lội giỏi thì cũng chỉ cầm cự với sóng to, gió lớn khoảng 5 - 10 giờ đồng hồ. Lúc ấy, không có tàu thuyền đến cứu thì chỉ có nước nằm lại vĩnh viễn giữa biển khơi. Đó là chưa kể sự cố cũng hay xảy ra là tàu hỏng máy, hỏng chân vịt giữa biển, nếu không có tàu thuyền đến lai dắt vào bờ kịp thời thì ngư dân trên tàu phải chịu cảnh đói, khát, có khi bị sóng đánh chìm tàu”.
Trầm ngâm một lúc, rồi ông Giới kể tiếp: “Đầu tháng 10 vừa rồi, tàu cá của tui có 13 ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa thì bị sóng lớn đánh gãy trục láp. Sau một ngày, một đêm không khắc phục được sự cố, mọi người đang lo lắng thì tàu VH 736 của Bộ Tư lệnh Hải quân ra lai dắt kịp thời, nếu không chúng tôi đã bị sóng đánh chìm”.
“Hồn treo cột buồm”
Cũng vì đánh bắt trong mùa biển động nên nhiều tàu cá liên tục gặp nạn. Theo Đồn biên phòng Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), tính từ đầu năm đến nay đã có 35 tàu cá, với 210 ngư dân đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phía Nam gặp nạn, thông báo về Đài canh thông tin của Đồn để nhờ ứng cứu.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Quan Nam lật cuốn sổ trực ban của đơn vị cho tôi xem những vụ tai nạn xảy ra gần đây được ghi lại khá chi tiết. Xếp lại cuốn sổ, thượng tá Dũng thở dài. Rồi anh cho người đưa tôi xuống gặp trực tiếp những ngư dân đã “năm ăn năm thua” với cơn thịnh nộ của đại dương và may mắn thoát chết trở về.
Đến xã Hoài Hải, gặp thuyền trưởng tàu cá BĐ 96443-TS Lê Văn Duy (28 tuổi, ở thôn Kim Giao), mới hay dù vụ tai nạn xảy ra đã hơn hai tháng nhưng anh vẫn chưa hết ám ảnh. Đó là rạng sáng 24.10, tàu cá của anh có 7 người đang đánh bắt tại vùng biển Quảng Ngãi thì bị tàu hàng bất ngờ đâm chìm. 3 người trên tàu cá may mắn nhảy được lên tàu hàng, 4 người còn lại trong đó có anh bị rơi xuống biển và trôi dạt hơn 5 giờ mới được một tàu hàng khác phát hiện cứu đưa vào bờ.
Thuyền trưởng Duy kể lại: “Lúc rơi xuống biển, 4 chúng tôi may mắn vớ được chiếc phao cứu sinh, nhưng hy vọng được cứu cũng rất mong manh. Chúng tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất nên lấy dây buộc vào nhau để phòng nếu có ai bị chuột rút, cứng cơ, yếu sức thì tương trợ lẫn nhau và có chết thì cùng chết”. Thoát chết sau vụ tai nạn trở về, thuyền trưởng Duy xuống tóc và ăn chay 3 tháng như để tạ ơn trời phật đã cứu sống mình và các ngư dân khác. Nhờ vậy, anh mới có cơ hội nhìn mặt con gái mà vợ anh mới sinh sau một tháng từ lúc anh thoát nạn.
Còn chuyện của ngư dân Nguyễn Văn Trực (39 tuổi, ở xã Tam Quan Nam), thì lại là một câu chuyện khác. Anh là một trong hai ngư dân của Bình Định gặp nạn trên biển và may mắn được máy bay trực thăng bay ra đảo đưa về đất liền điều trị. Sau gần 5 tháng điều trị, sức khỏe của anh Trực đã khá hơn nhiều, nhưng do tổn thương cột sống nên anh chưa thể đi lại được. Nói chuyện với tôi mà nước mắt anh cứ chảy miết. Anh bảo: “Không ngờ tính mạng của mình được quý như vậy. Giờ tôi ao ước được sớm bình phục để tiếp tục ra khơi, đến đảo gặp các anh bộ đội hải quân, rồi gặp các anh bộ đội không quân, nói một lời cảm ơn”. Tai nạn xảy ra ngày 19.8, khi anh Trực đang đánh bắt trên tàu cá BĐ 97076-TS tại vùng biển Trường Sa. Gặp lúc sóng lớn, một cây gỗ trên tàu rơi xuống đập vào lưng, khiến anh bị chấn thương cột sống khá nặng. Anh được các bạn tàu kịp thời đưa vào đảo Song Tử Tây cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sau đó trực thăng ra đưa anh vào bờ tiếp tục chữa trị.
Điểm tựa giữa biển khơi
Hôm chúng tôi đến Đồn biên phòng Tam Quan Nam cũng là lúc anh Đỗ Quang Vinh (34 tuổi, ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh), chủ tàu cá BĐ 96557-TS, mang thư cảm ơn đến nhờ Đồn hướng dẫn để gửi cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và các đơn vị tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời đưa tàu ra cứu tàu cá của anh gặp nạn ngày 2.12 tại vùng biển Trường Sa. Anh Vinh tâm sự: “Đánh bắt giữa biển khơi, tai nạn bất ngờ luôn xảy ra nhưng nhờ có cán bộ, chiến sĩ ở các đảo, các tàu hải quân, tàu biên phòng nên chúng tôi yên tâm bám biển”.
Theo thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã cứu giúp hàng chục tàu cá cũng như ngư dân Bình Định và các tỉnh khác tham gia đánh bắt gần khu vực đảo gặp nạn. Đây là nhiệm vụ chính trị của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, đồng thời thể hiện tình cảm giữa quân và ngư dân trên biển.
Khẳng định ngư dân là một lực lượng quan trọng cùng với bội đội đang ngày đêm tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thượng tá Nguyễn Trọng Bình chia sẻ: “Khi tàu cá gặp nạn được kéo vào đảo, chúng tôi tích cực hỗ trợ sửa chữa, cung cấp nước ngọt cho các ngư dân. Nếu ngư dân gặp nạn hoặc đau ốm sẽ được đưa vào trạm xá của đảo và được đội ngũ y, bác sĩ cứu chữa, chăm sóc tận tình, nếu ngoài khả năng của quân y đảo thì chúng tôi báo cáo cấp trên chuyển vào đất liền để tiếp tục điều trị. Ngoài ra, âu thuyền trên đảo cũng là nơi giúp cho nhiều tàu cá vào tránh trú bão an toàn. Nếu tàu cá cần nguyên liệu, ở đây bán với giá như ở đất liền nên ngư dân cứ an tâm khi đánh bắt ở vùng đảo xa”.
“Cầu nối” đất liền với biển Toàn huyện Hoài Nhơn hiện có 2.289 tàu cá, trong đó có 1.600 tàu đánh bắt xa bờ, nên mỗi mùa mưa bão, Đài canh thông tin của Đồn biên phòng Tam Quan Nam lại trở thành “cầu nối” giữa đất liền với biển, tiếp nhận thông tin từ biển khơi gửi về đất liền đề nghị ứng cứu tàu và ngư dân gặp nạn. Lại cũng có nhiều tàu cá khi hoạt động trên biển không thể liên lạc với gia đình cũng thông qua Đài canh thông tin để nhờ làm cầu nối liên lạc với gia đình ngư dân. Trung úy Trương Quang Minh đang liện lạc với các tàu cá đánh bắt trên biển. Ảnh: NGUYỄN PHÚC Trung úy Trương Quang Minh, nhân viên Đài canh thông tin Đồn biên phòng Tam Quan Nam, cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, do bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra liên tục nên nhân viên Đài phải thường xuyên trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin của ngư dân ở các ngư trường thông báo về, sau đó báo cáo cấp trên xử lý thông tin. Mỗi khi tiếp nhận thông tin tàu bị nạn, anh em chúng tôi rất lo lắng, phải tìm mọi cách giữ liên lạc với tàu bị nạn, báo cáo lên cấp trên để đưa ra giải pháp ứng cứu kịp thời. Đến khi tàu cùng ngư dân được cứu nạn thành công thì anh em mới thở phào nhẹ nhõm và vui sướng”.
“Cầu nối” đất liền với biển
Toàn huyện Hoài Nhơn hiện có 2.289 tàu cá, trong đó có 1.600 tàu đánh bắt xa bờ, nên mỗi mùa mưa bão, Đài canh thông tin của Đồn biên phòng Tam Quan Nam lại trở thành “cầu nối” giữa đất liền với biển, tiếp nhận thông tin từ biển khơi gửi về đất liền đề nghị ứng cứu tàu và ngư dân gặp nạn. Lại cũng có nhiều tàu cá khi hoạt động trên biển không thể liên lạc với gia đình cũng thông qua Đài canh thông tin để nhờ làm cầu nối liên lạc với gia đình ngư dân.
Trung úy Trương Quang Minh, nhân viên Đài canh thông tin Đồn biên phòng Tam Quan Nam, cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, do bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra liên tục nên nhân viên Đài phải thường xuyên trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin của ngư dân ở các ngư trường thông báo về, sau đó báo cáo cấp trên xử lý thông tin. Mỗi khi tiếp nhận thông tin tàu bị nạn, anh em chúng tôi rất lo lắng, phải tìm mọi cách giữ liên lạc với tàu bị nạn, báo cáo lên cấp trên để đưa ra giải pháp ứng cứu kịp thời. Đến khi tàu cùng ngư dân được cứu nạn thành công thì anh em mới thở phào nhẹ nhõm và vui sướng”.
NGUYỄN PHÚC