Mở lối mới với cây chanh
Mấy năm gần đây, một số nhà vườn ở huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn chuyển đổi vườn điều, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng chanh giấy, chanh bông tím (chanh tứ quý). Ðến nay thực tế cho thấy hướng đi này đã mang lại nguồn thu nhập khá, ổn định.
Giống chanh giấy và chanh bông tím đều có nhiều ưu điểm như nhiều nước, thơm nồng, ít hạt và cho trái quanh năm; riêng chanh bông tím cho trái to hơn, vỏ dày và sần vừa nhiều tinh dầu lại dễ vận chuyển xa. Mùa chanh rộ vào tháng Giêng và tháng 6, giá ổn định 10.000 đồng/kg. Vào mùa tháng Giêng, giá chanh tăng cao, từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Đồng đang thu hoạch chanh.
Chanh có bốn mùa…
Thổ nhưỡng ở huyện Tây Sơn được đánh giá rất phù hợp để trồng cây ăn trái có múi. Với tính năng động, sáng tạo nông dân Tây Sơn gầy được nhiều vườn chuyên canh chanh. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Đồng, thôn Phú An, xã Tây Xuân là điển hình. Trước đây, ông Đồng trồng mía trên 4 sào đất ở Đồng Sim. Mấy năm trước, cây mía vào thời bấp bênh, ông chuyển sang trồng ớt, đậu phụng... nhưng mức thu cũng như hiệu quả kinh tế chưa thuyết phục được ông. Sau một thời gian theo dõi, chuẩn bị, ông Đồng quyết định chuyên canh cây chanh giấy.
Ông Đồng chia sẻ: “Trước tiên tôi phải cảm ơn chính quyền xã Tây Xuân đã khuyến khích người dân chuyển đổi những vùng đất pha đá sỏi sang trồng cây ăn trái, đồng thời cung cấp thông tin thổ nhưỡng vùng này phù hợp phát triển cây có múi như chanh cam, quýt bưởi. Từ định hướng này tôi chọn cây chanh giấy để phát triển kinh tế. Đến nay, 100 gốc chanh nhà tôi đã được 4 năm tuổi, cho thu hoạch gần 2 năm nay. Cứ cách vài ngày thì thu hoạch 1 đợt, mỗi đợt được gần 200 kg, chỉ bán cho thương lái ở huyện Tây Sơn cũng đã được giá 13.000 đồng/kg”.
Tương tự ông Đồng, ông Võ Văn Hào, ở thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân cũng trồng gần 100 gốc chanh giấy trên 4 sào đất. Vườn chanh nhà ông được 3 năm tuổi, trái rất sai và đẹp, được thị trường ưa chuộng. Ông Hào cho hay: “Theo tôi, trồng chanh quan trọng nhất là ở khâu chăm sóc giai đoạn ra hoa, ra trái. Để trái sai và đẹp thì cần một chế độ bón phân cân đối, hợp lý giữa phân vô cơ và hữu cơ. So với các loại cây ăn trái có múi như quýt đường, cam hoặc bưởi thì cây chanh dễ trồng và ít đòi hỏi kỹ thuật hơn”.
Ông Trần Văn Minh ở làng L7, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh trồng 200 gốc chanh giấy trên diện tích gần 1 ha đất thịt pha cát bên dòng suối Hà Rơn. Ông Minh chia sẻ: “Chân đất nơi này tốt nên chanh nhà tôi to đều và đẹp, thương lái ở TX An Khê thường xuyên xuống tận nơi mua gọn. Từ tháng Giêng đến nay, tôi thu hoạch hơn 3 tấn chanh, thu về gần 25 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ cải tạo lại khu vườn cũ để trồng mới 200 gốc chanh”.
Nhiều người dân ở Vĩnh Thạnh đã đến tham quan vườn chanh của ông Minh, học tập làm theo và đến nay nhiều người đã có thành công bước đầu, đây là bước đệm để tiến đến phát triển những vườn chuyên chanh. Trò chuyện với tôi, nhiều người nói vui, khi gợi ý về ưu tiên chọn lựa giống cây trồng, người xưa có câu “chanh chua thì khế cũng chua, chanh có theo mùa khế có quanh năm”. Nay với nhiều giống mới, chanh cũng có quanh năm, giá trị kinh tế cao hơn khế nhiều…
Ông Trần Văn Minh đang chăm sóc cây chanh giấy mới trồng.
Những vườn chanh của nông dân năng động
Đi dọc những vườn chanh, ấn tượng đậm đà trong tôi là sự năng động, chịu khó học hỏi và khả năng cập nhật thông tin nhạy bén của nông dân tỉnh ta. Bởi lẽ không chỉ chanh giấy, chanh bông tím vốn có xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang cũng được nhiều nhà vườn ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn mau chóng chọn đưa về trồng. Theo ông Tạ Văn Việt, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Bình Thuận, riêng thôn Thuận Truyền không thôi đã có 22 hộ trồng với diện tích 2,5 ha. Từ khi hệ thống kênh tưới Văn Phong đưa vào sử dụng, người dân đã chủ động nguồn nước tưới, canh tác nhiều loại cây trồng dễ dàng hơn, trong đó có cây chanh, mang lại thu nhập đáng kể.
Ông Võ Văn Anh kể: “Sau khi tìm hiểu kỹ giống chanh bông tím khá dễ trồng và cho thu hoạch chỉ sau 1 năm, nên tôi bàn bạc với gia đình, nhờ người thân mua và gửi giống chanh bông tím mới nhất từ tỉnh Tiền Giang về trồng. Đầu năm 2016, tôi trồng hơn 300 gốc. Một thời gian sau, thấy cây chanh phát triển tốt hơn cả mong đợi, tôi chiết cành nhân rộng ra trên toàn bộ diện tích 14 sào đất cát của gia đình. Đến nay đã có 8 sào cho thu hoạch, 6 sào chanh được 1 tháng tuổi”.
Dẫn tôi đi thăm vườn chanh, bà Huỳnh Thị Mai, vợ ông Anh vui mừng chia sẻ: “Với 8 sào chanh đã cho thu hoạch, từ tháng Giêng đến tầm tháng 6 vừa rồi thôi, vợ chồng tôi đã thu về hơn 10 tấn trái, lãi gần 70 triệu đồng. So với các loại cây ngắn ngày khác như đậu phụng, mì... thì hiệu quả kinh tế cây chanh cao hơn nhiều. Mặt khác giống chanh bông tím cho năng suất cao, có thể thu hoạch quanh năm nên gia đình tôi rất vui”.
Ông Nguyễn Kim Thương được nhiều người ghi nhận là người chuyên canh cây chanh có thâm niên cao nhất Thuận Truyền, đồng thời cũng là người đầu tiên đưa giống chanh bông tím về đây. Hơn 20 năm trồng chanh, ông tích lũy được nhiều kỹ năng chăm bón, vì thế 400 gốc chanh ở vườn ông xum xuê hơn bình thường. Đặc biệt trong số đó có gần 200 gốc đã lên đến hơn 15 năm tuổi nhưng sung mãn như đang ở độ tuổi cây tơ. Từ tháng Giêng đến nay, ông thu hoạch hơn 8 tấn trái, tiêu thụ tại huyện Phù Cát và TX An Nhơn bình quân 15.000 đồng/kg, thu về hơn 50 triệu đồng. Ông Thương cho hay: “Cây chanh bông tím rất dễ trồng, chỉ cần đảm bảo công đoạn làm đất, bón phân và dưỡng cây thời gian đầu khi trồng xuống đất, cây bén rễ sẽ phát triển. Chanh bông tím thích nghi thời tiết ở địa phương nên nhiều nhà vườn đặt hàng cây giống, hiện một hộ dân ở thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân đặt tôi chiết hơn 200 cây giống, cuối tháng 9 sẽ giao”.
NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG