Xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên ở An Giang sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA
Ngày 22.9, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA).
Lô gạo đầu tiên ở An Giang sẵn sàng xuất khẩu sang EU
Theo đó, lô hàng gạo thơm đầu tiên xuất sang châu Âu của Tập đoàn Lộc Trời với số lượng gần 126 tấn, loại giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg; lô gạo này sẽ chính thức xuất sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9.2020.
Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, với mức thuế suất ưu đãi của EVFTA, sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn về xuất khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vào EU. Đây là lợi thế của Lộc Trời, bởi trong nhiều năm qua tập đoàn đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa gạo tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu trên khắp các vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất, chế biến. Lộc Trời đặt mục tiêu kiểm soát chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của EU, tăng diện tích vùng trồng nhằm tăng sản lượng xuất khẩu, đa dạng hóa các loại giống… với mong muốn trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào EU thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận, việc xuất khẩu gạo thơm vào châu Âu cho thấy, nông dân và các doanh nghiệp đã có khả năng sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng cao mà những thị trường khó tính đặt ra. Nhờ thuế xuất 0%, có ý nghĩa rất quan trọng là thừa nhận chính thức về chất lượng, tiêu chuẩn gạo của chúng ta; đây là tiền đề nhằm tái cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo, nâng cao chất lượng hàng hóa, hướng tới sự phát triển bền vững… Tới đây để tận dụng lợi thế trên, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi giá trị; cần tăng cường liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp; ngoài ra cần quan tâm đến bao bì, nhãn mác để khai thác tốt hơn ở thị trường EU...
Các chuyên gia châu Âu nhận định, Việt Nam không chỉ nằm trong khu vực thị trường sôi động của châu Á, mà còn là một quốc gia có điều kiện tốt cho việc phát triển thương mại. Ngoài ra, Việt Nam còn là một quốc gia có tình hình kinh tế, chính trị ổn định, ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Ngành nông sản của Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ở châu Âu.
Theo NGỌC DÂN (SGGP)