Chương trình hạt nhân của Iran: Chi phí cao, lợi ích ít
Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Washington và Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ hôm 3.4 công bố báo cáo cho biết, Iran sẽ sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân do thể diện quốc gia mặc dù nước này đạt được ít thành tựu trong lĩnh vực này.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr
Theo báo cáo có tiêu đề: “Cuộc phiêu lưu hạt nhân của Iran: chi phí và những rủi ro”, chương trình hạt nhân đã ngốn của Iran hơn 100 tỉ USD, chỉ riêng dưới góc độ đầu tư nước ngoài và lợi nhuận từ dầu mỏ.
Các chuyên gia của hai tổ chức này cho rằng, vấn đề hạt nhân của Iran không thể chấm dứt một cách đơn giản mà chỉ có con đường ngoại giao mới có thể giải quyết vấn đề này một cách hòa bình.
Báo cáo cũng cho biết, Iran không thể tự cung tự cấp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân chỉ với một trữ lượng uranium ít ỏi, trong khi đó nước này lại sao lãng việc duy trì cơ sở hạ tầng hiện tại và phát triển những nguồn lợi khác mà có thể đảm bảo tốt hơn nhu cầu năng lượng trong nước.
Tác giả của báo cáo lấy ví dụ: Lò phản ứng hạt nhân Bushehr có công suất 1.000 megawatt đi vào hoạt động hồi năm 2011 sau nhiều lần trì hoãn nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng điện của nước này, trong khi khoảng 15% sản lượng điện bị hao tổn do đường truyền cũ kỹ và không được bảo dưỡng tốt.
Ngoài ra, Iran có trữ lượng dầu khí lớn nhưng các biện pháp trừng phạt quốc tế buộc các công ty phương Tây từ bỏ lĩnh vực dầu mỏ tại nước này. Các lĩnh vực năng lượng mặt trời và gió của Iran cũng không thể phát triển được.
Như vậy, thay vì tăng cường an ninh năng lượng cho Iran, chương trình hạt nhân lại khiến nước này hạn chế khả năng đa dạng hóa nguồn năng lượng và đạt được sự độc lập thật sự trong lĩnh vực này.
Các tác giả đề xuất các cường quốc nên liên hệ với Iran bằng con đường ngoại giao thông thường và nói rõ Iran có thể có được gì nếu đồng ý thỏa hiệp. Báo cáo viết: “Người Iran gần như vắng mặt trong các cuộc thảo luận hạt nhân. Trong khi quan chức Mỹ và nghị sĩ nước này thường xuyên nói về các biện pháp trừng phạt, thì họ lại hiếm khi giúp người Iran hiểu được giá trị cụ thể của các chính sách hạt nhân và những lợi ích tiềm tàng của một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn.”
Theo báo cáo này, một thỏa thuận lâu dài phải bao gồm những cam kết của Iran về chấm dứt các hoạt động liên quan đến sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng cũng cho phép Tehran tiếp tục làm giàu uranium ở mức độ thấp đủ để nước này sản xuất điện. Ngoài ra, các nhà thương thuyết cũng nên bàn về những đề tài như hợp tác an toàn hạt nhân hay những lựa chọn về năng lượng thay thế cho Iran.
“Gần như không có cơ hội về việc Iran sẽ từ bỏ điều mà nước này và nhiều nước đang phát triển hiện đang khẳng định, đó là quyền làm giàu uranium” – báo cáo này viết.
Từ trước đến nay, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này dùng cho lĩnh vực y tế và sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như bổ sung cho trữ lượng dầu mỏ. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh nghi ngờ Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân từ chương trình này. Israel còn đe dọa sẽ có hành động quân sự để ngăn Tehran chế tạo bom hạt nhân.
Mỹ và đồng minh yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và vận tải biển của Iran, khiến cho xuất khẩu dầu của nước này giảm hơn 1/2 kể từ năm 2011.
Lê Quảng (theo Reuters)