Võ đường Hồ Sừng gìn giữ võ cổ truyền
Đại võ sư, Nghệ nhân ưu tú Hồ Sừng (tức Hồ Văn Sừng, SN 1938) được ông nội là cố võ sư lừng danh Hồ Ngạnh đích thân truyền dạy nên từ trẻ ông đã làu thông võ kinh, võ đạo tông phái Hồ gia. Nối nghiệp cha ông, năm 1976, ông mở võ đường tại thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn để truyền dạy võ thuật. Hiện võ đường có 1 đại võ sư, 1 võ sư cao cấp, 26 võ sư và 400 HLV xuất phát từ võ đường, hằng năm có từ 500 - 600 võ sinh trong và ngoài tỉnh đến thụ giáo. Võ đường Hồ Sừng là vệ tinh cung cấp nhiều VĐV tốt cho đội tuyển võ cổ truyền Bình Định. Hiện võ đường Hồ Sừng do võ sư cao cấp Hồ Sỹ (Hồ Văn Sỹ) làm chưởng môn đời thứ sáu.
Đại võ sư, Nghệ nhân ưu tú Hồ Sừng
Đại võ sư Hồ Sừng chia sẻ: “Điều may mắn cho Hồ gia chúng tôi là thế hệ con cháu như: Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Sỹ, Hồ Dư, Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Hạnh... đều bộc lộ năng khiếu võ thuật rất sớm, gặt hái nhiều thành công nhất định trên con đường võ thuật, người mở lò dạy võ ở quê nhà, người được chọn vào đội võ thuật của Bảo tàng Quang Trung… Đặc biệt, võ đường đã cung cấp cho đội tuyển võ cổ truyền tỉnh nhiều VĐV có tố chất tốt như: Hồ Văn Núi, Hồ Văn Tú, Hồ Thị Diệu; nhiều võ sinh khác liên tiếp giành được nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc liên hoan, giải vô địch võ cổ truyền ở các cấp.
Để bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam nói chung và Bình Định - Tây Sơn nói riêng, thời gian qua, các cấp các ngành đã đầu tư nâng cấp tuyến đường vào võ đường Hồ Sừng. Đại võ sư Hồ Sừng được chọn là một trong những võ sư tiêu biểu cung cấp các bài võ cổ truyền và các bài thuốc gia truyền độc đáo cho Hội đồng nghiên cứu - bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tỉnh; được Bộ VH-TT&DL tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa; được UBND tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen do có đóng góp xuất sắc trong gìn giữ di sản. Năm 2015 đại võ sư Hồ Sừng được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú, và hiện đang được làm thủ tục đề nghị công nhận là Nghệ nhân nhân dân.
Võ sư Hồ Sỹ bộc bạch: “Ngày nay, việc giữ gìn và phát huy võ cổ truyền không phải chỉ là chuyện của riêng chúng tôi nữa mà là của đông đảo người mộ võ Bình Định, bởi lẽ võ cổ truyền đã là di sản văn hóa. Ý thức được điều này nên anh em, con cháu Hồ gia nỗ lực truyền dạy rộng rãi những tinh hoa võ thuật để gìn giữ di sản nói chung, bồi đắp cho truyền thống võ đường nói riêng”.
TÍN TRỌNG