Chuyện ghi ở Trạm bảo vệ rừng xã Tây Giang
Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 1.300 ha rừng phòng hộ giáp ranh với xã Song An, TX An Khê (tỉnh Gia Lai), nơi có địa hình hiểm trở, song 4 cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng xã Tây Giang (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn) không ngại khó khăn, vất vả, quản lý tốt diện tích rừng được giao.
Theo các cán bộ Trạm bảo vệ rừng xã Tây Giang, tôi vượt quãng đường hơn 25 km qua đèo An Khê vào làng Pót (xã Song An), rồi men theo đường lâm sinh với nhiều dốc đá lởm chởm, trơn trượt vào rừng. Anh Trần Văn Trung, Trưởng Trạm bảo vệ rừng xã Tây Giang, bộc bạch: “Vùng rừng chúng tôi được giao bảo vệ rất rộng, khó tiếp cận để thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, trong khi Trạm chỉ có 4 anh em, nên phải luân phiên tuần tra bảo vệ rừng. Chúng tôi bố trí lực lượng tuần tra đảm bảo ngày nào cũng phải có người trên rừng; có khi 3 người đi tuần, 1 người ở Trạm, cũng có khi 4 anh em đều đi tuần tra theo từng khu vực. Mùa nắng còn đi xe được, chứ mùa mưa anh em phải men theo đường rừng đi bộ cả ngày may ra mới giám sát đủ. Những khi thời tiết khắc nghiệt nhất là lúc dễ xảy ra chuyện xâm hại rừng, thành ra nhiều lúc phải ăn ở trong rừng cả tuần mới về lại Trạm”.
Cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng xã Tây Giang tuần tra, bảo vệ vùng rừng giáp ranh với xã Song An, TX An Khê (tỉnh Gia Lai).
Hơn 35 năm gắn bó với nghề giữ rừng, anh Nguyễn Văn Nhiên, cán bộ Trạm bảo vệ rừng xã Tây Giang, tâm tình: “Công việc vất vả, mà thu nhập thấp, nên nhiều bạn mới vào làm trụ không nổi phải bỏ việc. Còn tôi có một chút khác là tôi mê rừng, nên nghề bảo vệ rừng ngấm vào máu từ trai trẻ rồi gắn bó luôn đến giờ. Chuyện vất vả, nguy hiểm tôi nghĩ nghề nào cũng có, nhưng khi thấy rừng được bảo vệ tốt, lên xanh tôi rất hạnh phúc”.
Trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề ở Trạm là anh Nguyễn Thái Thạnh (quê ở xã Tây Giang), gắn bó với công việc này hơn 3 năm. Dù được chuyển về công tác gần nhà, song thời gian anh Thạnh ở trên rừng nhiều hơn ở nhà. Anh chia sẻ: “Nhiều lần vợ tôi bảo tìm việc khác làm, chứ làm khổ mà lương chỉ 3 triệu đồng/tháng, nhưng mình chỉ cười và động viên để vợ đồng cảm, chia sẻ với công việc của mình. Chính sự đồng cảm của vợ con, sự yêu thương, quan tâm nhau của anh em ở Trạm là động lực để tôi gắn bó với nghề canh giữ rừng”.
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn Lý Phùng Lê, cho biết: “Bên cạnh việc động viên cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ, năm nào đơn vị có thêm nguồn thu từ tỉa thưa, khai thác rừng phòng hộ thì chúng tôi hỗ trợ thêm cho anh em chế độ trực đêm, tuần tra bảo vệ rừng”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN