Bảo vệ an ninh biên giới biển gắn với hiệu quả đối ngoại
Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh và Sở Ngoại vụ đã thống nhất ban hành quy chế phối hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia xác định quan điểm chiến lược: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; LLVT nhân dân làm nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”.
Phối hợp hiệu quả
Theo đại tá Trần Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp trong công tác biên phòng, vừa xây dựng vừa bảo vệ thế trận biên phòng toàn dân. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với nhiều ngành, đơn vị, trong đó có vai trò quan trọng của Sở Ngoại vụ.
“Công tác phối hợp giữa hai bên rất tốt, nhất là trao đổi thông tin, cùng nhau giải quyết các sự việc trên tất cả các lĩnh vực công tác, đặc biệt là các sự việc liên quan đến tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài”, đại tá Trần Quốc Bình cho hay.
Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao ngư dân Anding Nadie Repil cho Đại sứ quán nước Cộng hòa Philippines tại Hà Nội.
Trong quá trình thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, có nhiều người nước ngoài đến Bình Định qua khu vực biên giới biển, Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn. Trước khi có đoàn khách đến, Sở Ngoại vụ đều thông báo danh sách cụ thể để Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nắm bắt, đảm bảo ANTT và hướng dẫn lịch sự, chu đáo, giúp đoàn hoạt động hiệu quả, an toàn, đúng quy định.
Hoạt động phối hợp giữa hai bên càng có ý nghĩa trong quá trình trao đổi thông tin, giải quyết trường hợp ngư dân đánh bắt hải sản bị tàu nước khác bắt, uy hiếp, đâm va và tịch thu tài sản, nhất là ở vùng biển Hoàng Sa với mục đích khiến ngư dân dần rời ngư trường truyền thống này. Đồng thời, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp ngư dân cố tình vi phạm lãnh hải nước ngoài, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Ngoại vụ Võ Đình Kha, dấu ấn phối hợp giữa hai bên cũng thể hiện rõ qua công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn có yếu tố nước ngoài. Chính sách bảo hộ của Chính phủ và tinh thần giúp đỡ nhiệt tình của ngư dân Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Phát biểu tại buổi bàn giao ngư dân Anding Nadie Repil bị nạn trên biển được ngư dân Bình Định cứu hồi tháng 5.2020, Tùy viên Đại sứ quán nước Cộng hòa Philippines tại Hà Nội Edifredo Manatad Dabuet chia sẻ rằng, ngư dân Philippines mang một “mối nợ ân tình” với ngư dân Việt Nam.
Chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn
Trước yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, quy chế phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Sở Ngoại vụ ra đời từ nhu cầu tự thân để phát huy sức mạnh tổng hợp của hai bên, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, ANTT trên khu vực biên giới biển và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Đình Kha cho biết, theo quy chế phối hợp, hai bên sẽ trao đổi, thông báo tình hình, phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến các lĩnh vực như công tác lãnh sự, hoạt động của các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài trên khu vực biên giới biển và cửa khẩu cảng; tàu thuyền và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, bị nạn ở nước ngoài hoặc bị nước ngoài uy hiếp, tấn công bắt xử lý, phạt tù thả về và tàu thuyền, công dân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt xử lý.
Phối hợp thông tin tình hình công dân trên khu vực biên giới biển xuất cảnh ra nước ngoài và hoạt động của người Việt Nam trên khu vực biên giới biển đang ở nước ngoài; tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài trên khu vực biên giới biển và khu vực Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn. Ngoài ra còn có công tác phối hợp trong ứng phó thảm họa thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển có liên quan đến hoạt động đối ngoại; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các nội dung hiệp ước, hiệp định, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản...
Nguyên tắc phối hợp hàng đầu là tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hai bên. Đồng thời, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, hỗ trợ và bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ và công việc nội bộ của nhau.
“Đích đến quan trọng nhất là phối hợp tích cực, hiệu quả và phân công trách nhiệm rõ ràng. Quá trình phối hợp cung cấp thông tin, giải quyết từng vụ việc đều có quy trình cụ thể, không thể “hẹn nay hẹn mai”, không xuê xoa; từ đó nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cả hai bên”, đại tá Trần Quốc Bình nói.
NGUYỄN VĂN TRANG