Có hai từ “lục bình”
Lục bình (1) chỉ loại bèo “có cuống lá phồng lên thành phao nổi, hoa màu tím hồng, mọc thành chùm ở ngọn, có thể ủ làm phân hoặc làm thức ăn cho lợn”. Bèo này còn có một số tên gọi khác: bèo tây (vì có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào nước ta đầu thế kỷ XX), bèo Nhật Bản (vì được cho là mang về từ Nhật), phù bình, lộc bình.
Trong lục bình, lục (bộ mịch) có nghĩa “màu xanh lá cây”; bình (bộ thảo), nghĩa “cây bèo”, như trong bình thủy tương phùng (bèo nước gặp nhau). Lục bình có thể hiểu là “bèo màu xanh lá” (gọi tên theo màu sắc). Dân gian còn gọi là phù bình, tức “bèo nổi” (gọi theo đặc điểm sinh trưởng); lộc bình, tức “bèo có hình dáng giống lọ lộc bình” (gọi tên theo hình dáng).
Lục bình (2) là một loại vật dụng, cụ thể là “lọ to, cổ thắt, miệng loe, thường bày một chiếc để cắm hoa”. Loại lọ này còn có tên độc bình vì theo nhiều người, nó được dùng để cắm hoa đặt trên bàn độc (tức bàn thờ). Đây là hai tên gọi được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên).
Tuy nhiên, loại lọ này còn có một tên gọi khác mà Từ điển tiếng Việt (dẫn trên) không ghi nhận là lộc bình. Nhiều khả năng lộc ở đây là lộc trong phúc lộc thọ. Lộc bình có thể hiểu là “bình [chứa/ cầu/ chiêu] lộc”. Người Trung Quốc có loại bình để cầu phúc lộc trông giống bình hồ lô gọi là phúc lộc bình. Phải chăng tên gọi này có ảnh hưởng đến cách gọi lộc bình của người Việt?
Ngày nay, lộc/ lục/ độc bình từ bàn thờ đã bước xuống phòng khách với chức năng chính là để trang trí, thường được chưng thành một cặp. Lục bình được làm từ thân gỗ lớn, đặc ruột và có giá trị cao; chứ không còn là những chiếc bình nhỏ, đơn chiếc, để cắm hoa đặt bàn thờ như trước đây nữa.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ