Học sinh trường tiểu học Vĩnh Thịnh: Mỗi ngày đi học là một ngày vui
Tuy ở huyện miền núi nhưng nhiều hoạt động của Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh không khác các trường đồng bằng là mấy. Nếu khác, có chăng là sự quan tâm của thầy cô phải nhiều hơn, phù hợp với từng em vì học sinh của trường thuộc nhiều dân tộc cùng học tập.
Cùng học, cùng chơi
Để học sinh dễ tiếp thu bài giảng và học tập tốt hơn, nhiều năm trước trường tập trung tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Trước khi tựu trường 1 tuần, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm nhận lớp, lên kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho lớp mình. Nếu những năm trước giáo viên chỉ lồng ghép tăng cường tiếng Việt ở 2 môn chính là Tiếng Việt và Toán, thì gần đây đã lồng ghép vào tất cả môn học.
Dù trường ở miền núi nhưng hoạt động dạy và học Tiếng Anh khá tốt.
Ông Trần Công Huynh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Việt rất quan trọng, giúp các em tiếp thu thông tin, học tập nên nhà trường rất chú trọng. Dù thực hiện nhiều biện pháp nhưng tối ưu nhất vẫn là giao tiếp. Giao tiếp ở đây không chỉ ở giáo viên với học trò trong lớp mà còn qua các hoạt động ngoại khóa, trò chơi dân gian. Qua đó, học sinh được biết thêm từ ngữ mới. Ngoài ra, chúng tôi còn tạo mối liên kết giữa nhà trường và gia đình, để phụ huynh nói tiếng Việt với con tại nhà. Đặc biệt, chúng tôi xếp học sinh người Kinh và học sinh dân tộc thiểu số học chung để các em nói tiếng Việt với nhau. Thực tế cho thấy, chỉ sau chừng 7 tuần, học sinh đã có thể nói tốt tiếng Việt.
Vừa vui vừa học là cách giúp học sinh đến lớp chuyên cần. Do vậy, giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt phải gần gũi, thân thiện. Giáo viên thường xuyên để ý học sinh nói ngôn ngữ nào để giúp các em diễn đạt bằng tiếng Việt ý em muốn. Cô Đinh Thị Oi, giáo viên của trường, chia sẻ: Vì tôi là người Bana nên tôi hiểu các em muốn nói gì, hơn nữa phát âm tiếng Việt của tôi cũng chuẩn, nên khi giới thiệu một đồ vật, hoạt động nào đó, tôi giới thiệu cho học sinh nghe bằng tiếng mẹ đẻ trước và giúp các em gọi tên bằng tiếng Việt thật rõ ràng, tránh nhầm lẫn.
Em Đinh Thị Kim Doanh, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Vĩnh Thịnh, hào hứng kể: “Đến lớp con có rất nhiều bạn, con thích chơi với tất cả các bạn. Anh con học cùng trường nên hằng ngày anh chở con đi học; bây giờ đi học là vui nhất!”.
Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh có thành tích dạy và học tập khá tốt. Trường có nhiều biện pháp hiệu quả giúp học sinh hòa đồng, giao tiếp tiếng Việt tốt. Đặc biệt, nhờ chú ý xây dựng cảnh quan, môi trường học tập để học sinh vui đến lớp nên không khí học tập ở đây rất vui nhộn.
Giúp học sinh tự tin, học tốt
Có lẽ, điều khiến nhiều người bất ngờ nhất là trường đã triển khai mô hình VNEN từ năm học 2013 - 2014, khi mà tỉnh Bình Định mới chỉ bắt đầu thí điểm.
Ông Trần Công Huynh chia sẻ: Thú thật ban đầu tham gia cũng chưa biết được mức độ phù hợp của phương pháp dạy học này đâu. Nhưng lãnh đạo sở, phòng và nhiều chuyên gia động viên sẽ được hỗ trợ chuyên môn tối đa nên chúng tôi mạnh dạn thực hiện. Một trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia mô hình mới không phải chuyện dễ, giáo viên phải tham gia tập huấn rất gắt. Thế nhưng điều bất ngờ rất nhiều điểm vướng của chúng tôi đã được VNEN khai mở. Một ví dụ, học sinh khu vực miền núi rất nhút nhát, ngại giao tiếp; nhưng từ khi chúng tôi triển khai VNEN, các em tự tin hẳn lên. Không chỉ ban giám hiệu đâu mà tất cả các giáo viên ai cũng vui mừng. Nay, khi dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhờ đã làm chủ VNEN chúng tôi đâm ra được nhẹ nhàng hơn một chút vì giữa 2 chương trình có nhiều điểm tương đồng. Hiện nay, lớp 1 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; lớp 2 trở lên vẫn tiếp tục học theo chương trình VNEN để làm quen, sau này các em tiếp cận chương trình mới đỡ bỡ ngỡ.
Không chỉ chương trình VNEN, lớp Tiếng Anh cũng làm người đến thăm trường vui trong lòng. Tiếng đọc của học trò vang ra sân trường, giọng đọc biểu cảm, phát âm rất tốt. Cô giáo cho 2 bạn bất kỳ lên bục giao tiếp với nhau. Ngoài những câu chào hỏi, giới thiệu cơ bản, 2 bạn còn có những câu dài nói về lớp học, khung cảnh bên ngoài.
Cô Đặng Thị Oanh Kiều, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh, cho biết: Trường có đầy đủ phòng Tiếng Anh, bảng chiếu, chương trình hiện nay chú trọng năng lực giao tiếp, học đều các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết nên các em được luyện nghe, luyện nói nhiều. Ngoài ra tôi còn cho học sinh học ngoài trời để các em có không gian giao tiếp, ghi nhớ, học thêm từ vựng.
Ông Trần Công Huynh chia sẻ thêm: Ngày trước trường chỉ dạy Tiếng Anh 2 tiết/tuần. Sau đó, nhận thấy Tiếng Anh rất quan trọng nên tăng thêm 4 tiết/tuần. Từ đó thấy hiệu quả học tập môn học này rõ rệt. Trường có đủ 2 giáo viên Tiếng Anh, nên tôi đang tính sắp tới có thể cho trẻ lớp 1 làm quen Tiếng Anh luôn.
ÐỖ THẢO