Phóng viên làm việc với cơ quan chức năng là thực hiện theo quy định pháp luật
Gửi đơn tới Báo Bình Định, ông Hồ Ngọc Toàn (trú thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân), trình bày: Giữa gia đình ông và gia đình ông Huỳnh Tấn Hùng (trú cùng địa phương) có tranh chấp về quyền sử dụng đất. Hiện vụ việc đang được TAND huyện Hoài Ân thụ lý theo thẩm quyền nên chưa biết ai đúng, ai sai.
Vào ngày 8.9.2020, Báo Bình Định đăng bài “Xã Ân Ðức (huyện Hoài Ân): Sớm xử lý dứt điểm vụ chặt phá cây, đổ đất chắn đường”, theo ông Toàn thì bài viết gây ảnh hưởng đến uy tín, khiến hàng xóm, bạn bè hiểu nhầm, định kiến về gia đình ông. Ngoài ra, ông Toàn còn cho rằng phóng viên đã quá “nhiệt tình” trong việc liên hệ với các cơ quan chức năng để làm việc (?!).
Về việc này, Báo Bình Định xin nói rõ, nội dung bài viết nêu tình trạng cây trồng (mai, chuối) của gia đình ông Hùng bị chặt phá, hủy hoại; đường vào nhà ông Hùng bị bít khiến việc đi lại gặp khó khăn. Việc hủy hoại cây trồng và bít đường vào nhà người khác là hành vi mà pháp luật không cho phép trong vụ việc đang tranh chấp đất giữa hai gia đình.
Hơn nữa, phóng viên liên hệ với đại diện chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ vụ việc cũng như hướng xử lý, nhằm sớm giải quyết lối đi cho bên đương sự trong thời gian chờ tòa án giải quyết vụ việc tranh chấp đất, nhằm bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng, hợp pháp giữa các bên đương sự đã được pháp luật dân sự điều chỉnh; tránh ảnh hưởng xấu tới tình hình ANTT tại địa phương. Việc phóng viên gặp, làm việc với chính quyền địa phương là thực hiện theo nghiệp vụ và quy định của Luật Báo chí hiện hành.
Hiện vụ chặt phá cây trồng đang được cơ quan CA huyện Hoài Ân xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Còn vụ việc tranh chấp đất giữa hai gia đình cũng đang được TAND huyện Hoài Ân thụ lý giải quyết.
B.B.Ð