Du lịch và phát triển nông thôn
Ngày Du lịch thế giới (27.9) năm nay có chủ đề “Du lịch và phát triển nông thôn” nhằm nhấn mạnh vai trò của du lịch tạo nên những chuyển biến tích cực cho khu vực nông thôn. Ðây cũng là định hướng, mục tiêu phát triển du lịch Bình Ðịnh được tỉnh quan tâm.
Người dân địa phương phục vụ du khách tham quan đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ).
Quan tâm đến phát triển du lịch nông thôn
Du lịch Bình Định đang trên đà phát triển vượt bậc, phát huy được tiềm năng, lợi thế và tài nguyên du lịch tự nhiên như biển, đảo và tài nguyên du lịch nhân văn... Trong đó, hoạt động du lịch cộng đồng bước đầu phát triển ở các xã, phường khu vực ven biển TP Quy Nhơn như Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng. Đồng thời, hình thành được chương trình du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp tham quan làng nghề... Anh Trần Văn Chuẩn, người dân thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý, chia sẻ: “Phát triển du lịch ở xã Nhơn Lý đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương khi tham gia các dịch vụ phục vụ. Chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư về nhà hàng, phương tiện vận chuyển... để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách”.
Tập trung phát triển du lịch nông thôn góp phần quan trọng tạo sự khác biệt, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành Du lịch Bình Định, đồng thời mang lại những chuyển biến tích cực về KT-XH ở địa phương. Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; đề án phát triển du lịch cộng đồng thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng) ở TP Quy Nhơn đến năm 2025; đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025... Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để các ngành phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong khi đó, một số địa phương trong tỉnh cũng quan tâm khai thác thế mạnh của mình để phát triển du lịch nông thôn. Theo ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH&TT TX An Nhơn, thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống có “tên tuổi” như làng rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc), làng bánh bún An Thái (Nhơn Phúc), làng gỗ mỹ nghệ (Nhơn Hậu), làng rèn Tây Phương Danh (Đập Đá), làng nghề mai cảnh (Nhơn An); khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nơi trưng bày sản phẩm gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề và sản xuất các mặt hàng lưu niệm, quà tặng đặc trưng địa phương giới thiệu đến với khách du lịch.
Làng nghề truyền thống bánh bún An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn).
Phát huy vai trò của ngành Du lịch
Để triển khai các đề án phát triển du lịch đã được phê duyệt năm 2019, Sở Du lịch đã phối hợp các ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông cộng đồng, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, nhằm phát triển du lịch cộng đồng.
Năm 2020, Sở Du lịch phối hợp các địa phương chọn 4 hộ gia đình thí điểm ở 4 làng nghề phục vụ du lịch: Làng bún số 8, bánh tráng Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn); làng rượu Bàu Đá (TX An Nhơn); làng nón ngựa Phú Gia (huyện Phù Cát); làng trồng bí đao “khổng lồ” Chánh Trạch (huyện Phù Mỹ). Bên cạnh đó, phối hợp tập huấn nghiệp vụ du lịch làng nghề cho các hộ dân; tổ chức các lớp bồi dưỡng về du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, thôn Lý Hưng và khu vực Bãi Xép (TP Quy Nhơn); tiếp tục phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng ở các huyện, thị xã khu vực phía Bắc tỉnh.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Dũng cho biết: Ngành Du lịch tỉnh xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải chú trọng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lấy lợi ích của cộng đồng dân cư là trên hết. Trên cơ sở đó, thời gian tới đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng; trong đó tập trung vốn hỗ trợ ban đầu cho các hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng trong một khoảng thời gian nhất định. Huy động vốn từ các DN trong và ngoài tỉnh để đầu tư phát triển dịch vụ cho khách du lịch. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch khu vực nông thôn, thông qua việc nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức kinh doanh du lịch cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phục vụ phát triển du lịch hiệu quả tại khu vực này; hỗ trợ lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu việc làm trong lĩnh vực du lịch, đem lại thu nhập cho người dân...
Ngành Du lịch cũng chú trọng triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực nông thôn dựa trên lợi thế, đặc trưng văn hóa, sinh thái từng địa phương. Hỗ trợ các liên kết trong kinh doanh du lịch giữa địa phương với DN lữ hành để chào bán sản phẩm du lịch nông nghiệp cho du khách nội địa và quốc tế.
HOÀI THU