“Quả ngọt” của hành trình 7 năm
Bắt đầu cho câu chuyện lớn để có dự án Becamex VSIP Bình Định như hôm nay tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh là một quyết định xoay chuyển táo bạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định, khi chuyển Khu kinh tế Nhơn Hội từ định hướng là một tổ hợp công nghiệp, chủ yếu công nghiệp nặng, đóng tàu, cảng biển… sang đô thị - dịch vụ - du lịch; chuyển dần các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khu công nghiệp lên huyện Vân Canh.
Đón Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, tỉnh Bình Định mở con đường lớn phía Tây tỉnh kết nối khu công nghiệp này với TP Quy Nhơn.
Và, để thu hút Tổng Công ty Becamex IDC vào Bình Định, chính quyền tỉnh đã có thời gian 7 năm, chuẩn bị đầy đủ việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng kết nối... trong khi điều kiện ngân sách rất khó khăn, với một quyết tâm xuất phát từ “tâm huyết của nhiều cấp lãnh đạo tỉnh nhiều năm qua, hy vọng thay đổi bộ mặt địa phương, để không còn phải dựa vào ngân sách Trung ương cấp”, như lời chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng.
Để đón khu công nghiệp này, Bình Định đã mở con đường lớn phía Tây tỉnh (ĐT 638) dài gần 14 km, quy mô 6 làn xe (trong đó có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp), vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, kết nối Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định với TP Quy Nhơn. “Dù rất khó khăn về nguồn lực ngân sách, nhưng tỉnh quyết tâm đầu tư xây dựng tuyến đường này để phục vụ cho khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Con đường chiến lược này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”, ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng bày tỏ: Sau 7 năm theo đuổi dự án, chúng ta đã thành công. Bây giờ, Quy Nhơn - Bình Định đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn. Với dự án này, sẽ tạo đà tăng trưởng rất tốt về sản xuất công nghiệp, góp phần tạo bước đột phá mới cho phát triển KT-XH của tỉnh; mở rộng không gian phát triển đô thị cho TP Quy Nhơn.
MAI HOÀNG