Ngăn ngừa nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số: Kinh nghiệm từ Vĩnh An
Thời gian trước đây, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, đã xảy ra nhiều vụ tự tử. Sự việc không chỉ để lại đau thương, mất mát cho gia đình, người thân, mà còn gây hoang mang trong dư luận, tác động tiêu cực đến tâm lý người dân. Cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể của địa phương đã có những giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất tình trạng này.
Cách đây 3 năm, ông Đinh N., người già neo đơn, sống tại làng Kon Giang, xã Vĩnh An, luôn trong tâm trạng phiền não vì chuyện gia đình. Do vợ và 3 người con của ông đều đã mất, và không còn người thân, con cháu không thăm nom, nên sau khi uống rượu, nghĩ quẩn ông N. tự treo cổ, tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Khi người trong làng phát hiện, đã nhanh chóng đưa ông N. đến trạm y tế xã để cấp cứu, may mắn ông N. được cứu sống. Từ đó, những ngày cuối tuần, tổ phụ trách địa bàn làng Kon Giang thường đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho ông Đinh N., tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đến nay ông N. đã từ bỏ hẳn ý định tự tử.
Lãnh đạo xã Vĩnh An và tổ phụ trách đến tặng quà, động viên và thăm hỏi ông Đinh N. (sống tại làng Kon Giang).
Tương tự, vợ chồng anh Đinh Q. và Đinh Thị Hơ L. sống tại làng Giọt 1, cũng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Q. không tu chí làm ăn, lại còn hay uống rượu, chửi bới, đánh đập vợ con, khiến nhiều lần chị L. có ý định tự tử. Khi nhận được tin từ cơ sở, tổ phụ trách địa bàn, tổ hòa giải và già làng thường xuyên đến nhà vận động, hòa giải, và khuyên chị L. từ bỏ ý định tự tử. Đến nay, hai vợ chồng đã hòa thuận và chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Được biết, để ngăn chặn tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, UBND xã Vĩnh An tăng cường chỉ đạo các tổ phụ trách địa bàn, tổ hòa giải, phát huy vai trò của các già làng, người uy tín, thường xuyên, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân biết quý trọng cuộc sống của bản thân; đồng thời, chính quyền địa phương cũng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc dễ dẫn đến tự tử.
Theo UBND xã Vĩnh An, từ năm 2016 - 2017, Vĩnh An là một trong những địa phương có “điểm nóng” về vấn nạn tự tử trong người dân tộc thiểu số, với số liệu thống kê 18 vụ (làm chết 7 người). Nguyên nhân được xác định do nhận thức về cuộc sống, hiểu biết về pháp luật, hôn nhân gia đình của một bộ phận người dân còn hạn chế, nên khi gặp các tình huống như: Tình yêu không được đền đáp; vợ chồng hay xích mích vì kinh tế bấp bênh; hàng xóm bất hòa; anh em trong gia đình mâu thuẫn... thì nghĩ quẩn, đòi tự tử.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An, cho biết: Để “hạ nhiệt” tình trạng trên, Huyện ủy, UBND huyện Tây Sơn cùng các cấp chính quyền xã tìm giải pháp, thống nhất thành lập các tổ phụ trách địa bàn, gồm có cán bộ của huyện, xã, tổ hòa giải và già làng, tăng cường giáo dục, vận động, hòa giải đối với các cá nhân, người đang có ý định tự tử.
Cũng theo ông Sơn, trong những dịp lễ, tết, ngày nghỉ, cán bộ xã Vĩnh An tự nguyện trích 1 ngày lương, đóng góp tiền để mua đường, sữa và một số nhu yếu phẩm đến thăm, động viên các hộ gia đình neo đơn, người có ý định tự tử; Đoàn thanh niên xã và các hội thường xuyên đến nhà vận động các gia đình tích cực tham gia các hoạt động do làng, xã tổ chức... Nhờ những giải pháp cụ thể đó, đến nay tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã được kiểm soát và không có vụ việc nào xảy ra trong thời gian qua. “Tuy kết quả đã có bước chuyển biến tích cực, song các cấp chính quyền địa phương sẽ không chủ quan, và việc giảm thiểu tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, nòng cốt tuyên truyền, dân vận khéo vẫn là cán bộ, già làng, người có uy tín”, ông Sơn bày tỏ.
CHƯƠNG HIẾU