Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi tất yếu
Tỉnh ta đã và đang thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xem đây là giải pháp tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Tập đoàn Việt - Úc đầu tư nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
An toàn và hiệu quả
Năm 2018, Tập đoàn Việt - Úc đã đầu tư xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, diện tích hơn 116 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. DN đã xây dựng 10 dãy nhà màng với 140 ao nuôi tôm thương phẩm. Tất cả các ao nuôi tôm đều được áp dụng quy trình sản xuất nhà màng của Israel, đáp ứng các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; đầu tư xây hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ, kiểm soát tự động tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (trực thuộc Tập đoàn Việt - Úc), cho biết: “Với công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể thả tôm giống mật độ dày và nuôi 3 vụ/năm. Năng suất tôm nuôi đạt 60 tấn/ha, cao hơn gấp 2 lần so với năng suất tôm thẻ chân trắng mà nông dân trong tỉnh nuôi thâm canh. Sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên tiêu thụ thuận lợi”.
Ở lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát) đã gặt hái được nhiều thành công nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, tạo ra các tổ hợp gà giống 1 ngày tuổi chất lượng cao. Tên tuổi của 2 DN này đã vượt khỏi biên giới Việt Nam. Riêng Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 60 triệu con gà giống trong năm 2020, chiếm trên 20% thị phần giống gà ta của cả nước, là DN sản xuất và cung ứng giống gà ta lớn nhất Việt Nam. Hiện DN này đang thực hiện chiến lược xuất khẩu gà giống, thịt gà ta sang các nước châu Á, châu Âu và khẳng định thương hiệu gà ta Minh Dư Bình Định trên thị trường quốc tế.
Cũng không còn chăn nuôi gia súc theo kiểu lấy công làm lời, “bỏ ống” tiết kiệm, bây giờ nhiều DN, hộ gia đình ở “vựa heo” Hoài Ân cũng đã xây dựng trang trại chăn nuôi heo khép kín, áp dụng công nghệ cao (CNC) mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay: Hiện có 35 DN và hộ gia đình trên địa bàn huyện đã xây dựng trang trại chăn nuôi heo khép kín, áp dụng CNC, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành chăn nuôi phát triển đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 100 DN, chủ trang trại đã xây dựng cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn có ứng dụng CNC. Tỉnh ta tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển ở nhiều địa phương trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Hiện ngoài vùng nuôi tôm CNC tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) diện tích 460 ha và tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát) diện tích 150 ha đã được tỉnh quy hoạch, UBND tỉnh đã đăng ký với Bộ NN&PTNT trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển Khu chăn nuôi trang trại tập trung Nhơn Tân thành khu chăn nuôi ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung ứng dụng CNC, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC.
Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành chức năng xây dựng bộ tiêu chí chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng CNC tại khu vực được tỉnh quy hoạch, tạo cơ sở cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển. “Các HTX, DN, trang trại sẽ tiếp tục được hỗ trợ ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước tạo dựng và phát triển thương hiệu về các sản phẩm nông nghiệp. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
PHẠM TIẾN SỸ