Xử lý nghiêm hành vi bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự người khác
Danh dự, uy tín, nhân phẩm của mỗi công dân là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ bằng các quy định để xử lý nếu bị xâm phạm. Tùy theo mức độ, tính chất, hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự.
Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam bị can Hải.
Những hành vi vi phạm
Tạm giam 2 tháng để điều tra làm rõ hành vi “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự là bài học thích đáng đối với bị can Lê Văn Hải (SN 1966, TP Quy Nhơn). Việc bắt tạm giam bị can Hải thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Bởi từ nhiều năm nay, mặc dù những khiếu kiện của bị can Hải về đất đai đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương giải quyết, song Hải vẫn cho rằng yêu cầu của mình không được quan tâm. Vì thế, ông ta nhiều lần xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.
Không đến mức bị bắt tạm giam như bị can Hải, nhưng với hành vi đăng tải bài viết kèm theo hình ảnh xúc phạm danh dự, uy tín lực lượng CSGT, CA huyện Phù Mỹ, đối tượng T.M.D. (SN 1989, huyện Phù Mỹ) đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng. Hành vi của đối tượng D. đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ là “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý thời gian gần đây vì đã sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin, hình ảnh không đúng hoặc cố tình vu khống, làm nhục, xúc phạm uy tín, danh dự, quyền lợi hợp pháp của người khác. Theo cơ quan chức năng, các đối tượng này thường có chung một điểm là lợi dụng mạng xã hội để đăng tải các thông tin sai lệch, nói xấu cá nhân, tổ chức, chính quyền, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Và tất nhiên những hành vi này đều vi phạm pháp luật, bởi “Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Do đó, khi người khác có lời nói, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người khác, gây mất ANTT... thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm về hành chính hay hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm”, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang nhấn mạnh.
Luật quy định đã rõ
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.
Trường hợp người bịa đặt, loan truyền những thông tin mình biết rõ là sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác, có thể bị truy cứu tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. Nếu không phải là người trực tiếp bịa đặt, tung tin thất thiệt nhưng có hành vi đưa những thông tin trái với quy định pháp luật đó lên mạng để thu lợi bất chính, hoặc gây thiệt hại, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015. Về vấn đề này, luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, phân tích: Điều 155 Bộ luật Hình sự, quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, tại Điều 156 của Bộ luật này cũng quy định rõ, nếu ai đó có hành vi vu khống người khác trên mạng xã hội thì có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng; nếu việc vu khống gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. “Ví dụ, nếu một cá nhân lên mạng xã hội vu khống một người có chức vụ, gây ảnh hưởng lớn đến vị trí, công việc của họ thì điều đó được xem là gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này đã đủ căn cứ yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc, khởi tố vụ án”, Luật sư Nam nói rõ.
Như vậy, không quan trọng vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một nhân viên bình thường hay một lãnh đạo cấp cao, chỉ cần chứng minh được người đó có những hành vi lan truyền thông tin không chính xác và gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị vu khống thì đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lê Thành Trung chia sẻ: “Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như: Bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Chẳng hạn như tội: Vu khống; gây rối trật tự công cộng; đe dọa giết người; tuyên truyền, phát tán văn hóa phẩm độc hại...
KIỀU ANH