Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại đô thị: Chưa đáp ứng yêu cầu
Tốc độ đô thị hóa của tỉnh diễn ra nhanh. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở các địa phương còn lạc hậu, đầu tư nhỏ lẻ thiếu sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Công nhân đang nạo vét, thông tắc hố ngăn mùi thuộc mạng lưới thoát nước của TP Quy Nhơn.
Chỉ Quy Nhơn có hệ thống thoát nước đồng bộ
Hiện nay, tỉnh có 4 đô thị theo quy hoạch sẽ triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiện chỉ TP Quy Nhơn có hệ thống thoát nước đồng bộ ở khu vực nội thành, vừa đảm bảo thoát nước và chống ngập cho đô thị (tần suất 10% áp dụng cho đô thị loại I trực thuộc tỉnh). Trên địa bàn thành phố có 2 nhà máy xử lý nước thải: Nhà máy Nhơn Bình công suất 14.000 m3/ngày đêm và Nhà máy 2A (phía Tây chân núi Vũng Chua, phường Trần Quang Diệu) công suất 2.350 m3/ngày đêm. Hệ thống thoát nước tại thành phố có tổng chiều dài trên 153 km; hệ thống riêng biệt dài trên 19,7 km; hệ thống nửa riêng biệt dài hơn 6,7 km. Hệ thống còn có hơn 5.000 hố ga ngăn mùi, được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng mức đầu tư gần 110 triệu USD cho cả 2 giai đoạn.
Các đô thị còn lại trong tỉnh thì hệ thống thoát nước tự chảy về hạ lưu các nhánh sông, như: Hệ thống thoát nước ở TX An Nhơn dài hơn 16,5 km với 297 hố ga ngăn mùi, được thoát ra sông Côn. Hệ thống thoát nước ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) có chiều dài 14,1 km với 290 hố ga ngăn mùi thoát nước ra sông Côn. Hệ thống thoát nước ở phường Bồng Sơn và Tam Quan (TX Hoài Nhơn) có chiều dài hơn 19,9 km với 360 hố ga ngăn mùi, thoát nước ra sông Lại Giang và sông Nổm, sông Kho Dầu…
Thực tế, ngay cả TP Quy Nhơn mới có một hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động, giải quyết được một phần nước thải cho thành phố. Các địa phương khác, những dự án nêu trên mới đang nằm trong diện quy hoạch, mời gọi đầu tư. Chỉ tính TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn là 2 đô thị loại IV đã có nhu cầu được đầu tư khoảng 50 triệu USD.
Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Các dự án thoát nước và xử lý nước thải tại tỉnh rất khó thu hút DN đầu tư vì vốn bỏ ra lớn, khả năng thu hồi chậm và lợi nhuận thấp. Định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác thu gom, vận hành công trình đầu mối xử lý nước thải chưa đầy đủ nên việc xác định giá dịch vụ nước thải gặp nhiều khó khăn”.
Xây dựng hệ thống thoát nước ở phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn).
Tìm giải pháp gỡ khó
Ngày 23.9, TX An Nhơn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các phường nội thị và vùng phụ cận TX An Nhơn”. Ông Nguyễn Đình Chương, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX An Nhơn, cho biết: “Dự án này thực hiện thì mới đảm bảo được tiêu chí để TX An Nhơn vươn lên đô thị loại III trong năm 2021 và thành lập thành phố trước năm 2025. Tuy nhiên, thực hiện dự án cần hơn 1.074 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 214 tỷ đồng. Nguồn vốn quá lớn là vấn đề khó khăn nhất đối với địa phương. UBND tỉnh cần có cơ chế phân bổ, hỗ trợ hoặc làm cầu nối kết nối địa phương với các nguồn vốn như: ODA, ADB, WB... Từ đó, UBND TX An Nhơn mới có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo triển khai dự án”.
Việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải ở tỉnh đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách, pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân. Tháng 6.2020, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bình Định về triển khai các giải pháp cấp nước sinh hoạt và thoát nước, xử lý nước thải ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), một số tỉnh như Sóc Trăng, Ninh Thuận, Cần Thơ đã triển khai mạng lưới thoát nước theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân tự bỏ kinh phí tách đường ống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt riêng của gia đình trước khi đưa vào hệ thống thoát nước chung ở địa phương.
“Tỉnh Bình Định đặc thù cát nhiều, có thể tính phương án thấm nước, nhất là nước mưa khá tốt. Vấn đề cốt lõi là xem xét việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải phù hợp với đặt tính nước thải cho các đô thị ở Bình Định để áp dụng rộng rãi. Ban hành mới định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác thu gom, vận hành công trình đầu mối xử lý nước thải để có cơ sở địa phương xây dựng đơn giá và giá dịch vụ nước thải; có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước và thu gom xử lý nước thải”, ông Trần Anh Tuấn tư vấn.
HẢI YẾN