Quan tâm sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương
Hằng năm, Ngày Sơ cấp cứu thế giới được tổ chức vào thứ Bảy tuần thứ hai của tháng 9. Chủ đề của năm nay là “Sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương”.
Ngày Sơ cấp cứu thế giới do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phát động lần đầu tiên vào năm 2000 với mục đích nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong phòng, tránh tai nạn thương tích nói chung và TNGT nói riêng - xảy ra hằng ngày hoặc trong các tình huống khẩn cấp.
Những sai lầm cần tránh
Hưởng ứng Ngày Sơ cấp cứu thế giới, ngày 25.9, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn sơ cấp cứu cộng đồng tại huyện An Lão với sự tham gia của toàn bộ giáo viên làm tổng phụ trách Đội và cán bộ y tế, nhân viên phụ trách công tác y tế học đường khối trường tiểu học và THCS trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện. Trước đó, Hội CTĐ tỉnh cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn thương tích cho gần 400 ĐVTN trong tỉnh.
Hướng dẫn kỹ thuật cố định xương bị gãy tại Hội nghị sơ cấp cứu do Hội CTĐ tỉnh tổ chức ngày 25.9.
Theo bác sĩ Phạm Văn Dư, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, báo cáo viên các lớp tập huấn, bên cạnh việc giới thiệu những kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu, ông đã gợi ý nhiều cách xử lý trong bối cảnh thực tế khi không có sẵn băng, bông, gạc, nẹp… và dành nhiều thời gian cho phần thực hành. Kết quả cho thấy, vẫn còn không ít người có những suy nghĩ sai lầm hoặc thực hành không đúng, không hiệu quả. Chẳng hạn, khi một người bị chảy máu, thay vì hướng dẫn họ bịt mũi, cúi đầu xuống thì có một vài người cho rằng nên ngước cổ lên trời, làm như vậy sẽ khiến máu chạy vào cổ họng. Một số người sau khi bị bỏng thì lập tức đổ nước mắm hoặc thoa kem đánh răng lên vết bỏng làm chúng lở loét ra. Khi bị rắn hoặc côn trùng có nọc độc cắn, thay vì ga rô tĩnh mạch thì người sơ cứu lại xác định nhầm và ga rô động mạch sẽ làm hoại tử chi. Không cân nhắc hoặc lường được sự nguy hiểm của môi trường xung quanh, chỉ chăm chăm vào việc sơ cứu nạn nhân cũng từng dẫn đến chuyện không cứu được nạn nhân mà còn bị thiệt thân.
Bác sĩ Dư đã tỏ ra tiếc nuối khi nhắc đến trường hợp một em bé 10 tháng tuổi ở huyện An Lão nuốt hạt đỗ đen dẫn đến tử vong. Ông cho rằng, nếu người nhà thực hiện hiệu quả quy trình xử lý dị vật đường thở thì biết đâu đứa bé vẫn còn sống.
Quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương
Khảo sát của Hội CTĐ tỉnh cho thấy, một trong những đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em, chủ yếu ở trong độ tuổi từ lớp 5 đến lớp 9. Các em thường hiếu kỳ, nghịch ngợm, thích khám phá, thể hiện và non nớt không lường hết hậu quả. Bác sĩ chuyên khoa ngoại Phan Hữu Nhơn, Phó Giám đốc TTYT huyện An Lão, cho rằng, mặc dù thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sơ cứu tai nạn thương tích và đuối nước khá rộng rãi nhưng nếu không thường xuyên thực hành thì vẫn có thể quên hoặc thực hành không hiệu quả. “Không thể biết được khi nào tai nạn thương tích xảy ra thì tốt nhất hãy nắm thật vững kiến thức và rèn kỹ năng thực hành để hỗ trợ tốt nhất những đối tượng dễ bị tổn thương”, bác sĩ Nhơn kêu gọi.
Theo Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Phạm Văn Dư, việc sơ cấp cứu sớm quyết định đến sự sống và sức khỏe của người gặp nạn, vì thế người sơ cứu cần linh hoạt và kịp thời. Ông kêu gọi và nhắc nhở mọi người những việc cần phải làm, như trước hết phải di chuyển nạn nhân ra khỏi môi trường không an toàn, rồi kiểm tra, đánh giá tình trạng của nạn nhân. Phải biết được khoảng “thời gian vàng” và hành động thật nhanh. Trong những môi trường không thuận lợi, người sơ cứu hãy sử dụng những gì có ở xung quanh để can thiệp lên vết thương. Chẳng hạn, một người bị gãy xương, khi không có nẹp thì có thể sử dụng miếng bìa cứng thay thế.
Tỏ ra rất tâm đắc với những nội dung được giới thiệu cùng những mẹo xử lý kịp thời, hiệu quả các vết thương tại Hội nghị do Hội CTĐ tỉnh tổ chức ngày 25.9, cô giáo tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học An Hòa Phạm Thị Ngọc cho biết, đôi khi phải tự xử lý một số xây xát nhỏ của học sinh. “Vì trường có hai điểm (chính và phụ) nhưng chỉ có 1 cán bộ y tế nên giáo viên làm công tác tổng phụ trách Đội phải can thiệp, xử lý kịp thời thương tích cho các em. Dù đã biết qua nhưng kiến thức lần này vẫn rất bổ ích, đặc biệt là tính khả thi khi áp dụng vào thực tế. Những giáo viên làm công tác tổng phụ trách Đội hoặc cán bộ y tế trong trường học luôn ý thức cao vai trò, trách nhiệm của mình và luôn quan tâm tự cập nhật, trang bị, rèn kỹ năng thực hành sơ cấp cứu cho học sinh”, cô Ngọc cho hay.
NGỌC TÚ