Ngày cuối năm trên quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Nằm nép mình bên dòng sông Bồ hiền hòa, thơ mộng, thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) không những nổi tiếng với những đặc sản cam, quýt, rau má, cá lồng… mà nơi đây còn được người dân và du khách muôn nơi biết tới bởi là một làng quê cách mạng, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị tướng tài đức vẹn toàn của quân đội ta.
Những dòng lưu bút
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Niêm Phò khi những vườn hoa mai, hoa cúc nơi đây đang bắt đầu chớm nụ, báo hiệu một mùa xuân mới sắp về.
Thôn Niêm Phò vẫn như bao đời nay, bình dị, mộc mạc và yên ả. Có người đã từng ví von, sự bình dị, mộc mạc đó như chính con người của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Và giờ đây Niêm Phò đã có một khu nhà lưu niệm, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng về Đại tướng. Đây đã là nơi hội tụ, hàn huyên tâm sự của những người đồng chí, đồng đội một thời vào sinh ra tử với Đại tướng. Họ từng là các chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở khám Chí Hòa, lao Thừa Phủ... Tìm về khu lưu niệm còn là du khách ở khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có cả những em nhỏ đang còn cắp sách đến trường. Họ đến với khu lưu niệm không chỉ để nhìn ngắm những hình ảnh, tư liệu, hiện vật gợi lại những năm tháng đấu tranh cách mạng gian lao mà vinh quang của Đại tướng, mà đến còn vì sự sẻ chia và tỏ lòng kính phục trước một người cộng sản lỗi lạc, kiên trung.
Lật giở từng trang lưu bút, lưu giữ cảm xúc của những người đã từng đến thăm khu nhà lưu niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi thật sự xúc động trước tình cảm của họ đối với Đại tướng. Bạn Lê Quỳnh Anh, lớp K15, Đại học sư phạm Vinh (Nghệ An) xúc động viết: “Kính thưa Bác Đại tướng Nguyễn Chí Thanh! Được đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Bác, cháu vô cùng xúc động. Cháu biết được mỗi nơi Bác từng sống, chiến đấu, mỗi nẻo đường Bác đi qua đều để lại tình cảm thương yêu, trìu mến vô bờ của quân và dân cả nước. Đức độ và tài năng của Bác khiến thế hệ chúng cháu nguyện mãi học tập suốt đời”.
“Cháu tiếc rằng mình sinh sau, đẻ muộn, nên không có cơ hội được gặp Đại tướng…”, Phạm Văn Quang đến từ TP Hồ Chí Minh bày tỏ cảm xúc.
Còn đây là tiếng lòng của một sinh viên khác có tên Nguyễn Thị Trang: “Cháu sinh ra ở Huế, sống ở Nha Trang. Chứng kiến những hiện vật in dấu một thời của Đại tướng càng làm cho cháu kính trọng hơn về sự giản dị, đức hy sinh vì nước, vì dân của Đại tướng”.
“Tôi gặp rồi cùng hoạt động với anh Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) từ đầu năm 1937... Tiếp xúc và cùng hoạt động với Nguyễn Vịnh tôi càng thấy rõ con người đầy nhiệt tình cách mạng, sôi nổi và trong sáng của anh. Anh luôn hiên ngang trước kẻ thù; chân tình, cởi mở, chan hòa với anh em, bàn bè, được mọi người tin yêu, mến phục”, đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như vậy.
Quê hương tự hào về người con ưu tú
Về lại Niêm Phò lần này tôi thật may mắn khi gặp được cụ Nguyễn Thị Chiện, người em út trong số 10 anh em của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cụ Chiện năm nay đã 87 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Khi được hỏi những kỷ niệm về người anh Nguyễn Chí Thanh, cụ xúc động nói: “Hồi nhỏ tui là em út nên rất được anh Thanh cưng chiều, anh thường bày cho tui nhiều trò chơi và luôn dạy em học chữ. Có món quà gì quý anh cũng nhường hết cho em. Đến năm 17 tuổi anh đi theo cách mạng nên anh em ít gặp được nhau. Khi gặp cũng không nhận ra vì lúc thì anh cải trang thế này, lúc thì cải trang thế khác để đảm bảo bí mật. Một lần, tui gánh đôi thúng đựng cây chột nưa lên chợ Triều Sơn Đông, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà để bán kiếm tiền. Đến gần chợ, tui gặp một người đàn ông gánh chiếu đi bán. Khi lại gần, ông nhìn tui rất lâu rồi xoa đầu, đưa cho tui một chén đậu và nói giọng Quảng Nam: “Em ăn đậu hủ đi, ở nhà chăm ngoan nhé!”. Tui chưa hiểu chuyện chi thì người đàn ông đã nhanh chân bước đi. Sau này, tui mới biết đó là anh Thanh…đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng giờ đây mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm đó, tui thấy nó như vừa mới xả ra hôm qua…”.
Ông Lê Xuân Quang, 66 tuổi, cháu gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bằng cậu, xúc động tâm sự với chúng tôi: “Tui còn nhỏ thì cậu đã đi tham gia cách mạng. Tui chỉ biết cậu qua lời kể của mẹ. Mẹ tui kể, khi còn ở quê, cậu Thanh là người sống giản dị, ham học ham làm, sống chan hòa với bà con xóm giềng, luôn hết mực yêu thương giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và cậu chỉ có mong muốn duy nhất là được đi theo cách mạng…Tui rất tự hào về cậu Thanh! ”
Những ngày này, người dân làng Niêm Phò đang phấn khởi đón chào kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Băng rôn, cờ, biểu ngữ đón chào sự kiện trải dài từ trung tâm xã đến tận các thôn, làng trên địa bàn. Trên mỗi con đường về Niêm Phò đều rực rỡ cờ hoa chào mừng sinh nhật Đại tướng. Người dân Niêm Phò tự hào về nơi đã từng ghi đậm dấu ấn thời niên thiếu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Danh Luông, cựu chiến binh làng Niêm Phò phấn khởi: “Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh Đại tướng, lòng người càng thêm rạo rực. Thời gian có trôi đi, nhưng làng Niêm Phò vẫn luôn lưu giữ hình ảnh dung dị, mộc mạc của Đại tướng và gia đình”.
Trong dòng người tìm về thôn Niêm Phò những ngày này, có người đã đến đây nhiều lần, có người lần đầu tiên đến, song trong họ đều có một điểm chung, đó là niềm tự hào, kính trọng vô bờ dành cho vị tướng tài đức vẹn toàn của quân đội ta.
. Theo TRẦN ĐÌNH THĂNG (QĐND Online)