Linh hoạt trong đánh bắt thủy sản
Thay vì chuyên một nghề khai thác thủy sản tại vùng khơi, gần đây ngư dân trong tỉnh đã đầu tư kết hợp nghề chính - nghề phụ, hoặc cùng lúc làm nhiều nghề. Cách làm linh hoạt này đã giúp tăng hiệu quả khai thác lên khá nhiều.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi theo kiểu đánh bắt nghề chính - nghề phụ, hoặc hoạt động kiêm cùng lúc 2 loại nghề, như: Lưới vây ánh sáng - mành chụp, câu cá ngừ đại dương - mành chụp, câu mực - mành chụp, lưới rê - câu mực… giúp nâng cao năng lực khai thác, tăng thu nhập.
“Tàu 67” của ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) được cấp phép hoạt động thêm nghề phụ để tăng năng lực khai thác thủy sản.
Ngư dân Nguyễn Văn Xỉn, ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97169-TS, làm nghề câu cá ngừ đại dương kiêm mành chụp, cho hay: “Nếu ra khơi hoạt động trong chuyến biển kéo dài 20 - 25 ngày mà chỉ làm một nghề câu cá ngừ đại dương nhiều khi bị lỗ tổn. Bởi vậy, 5 năm trước, tôi đầu tư thêm nghề mành chụp để hoạt động hai nghề cùng lúc. Từ đó, sản lượng khai thác khá hơn, thu nhập bạn tàu ổn định hơn trước”.
Ngoài hoạt động kiêm nghề song song, để tăng hiệu quả kinh tế, nhiều tàu cá còn tổ chức KTTS theo mùa vụ, nghề chính - nghề phụ. Ngư dân Ngô Đức Lai, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, thuyền trưởng tàu cá BĐ 93480-TS, làm nghề chính câu mực - nghề phụ lưới rê, thổ lộ: “Tàu tôi có 5 người, ngư trường hoạt động chủ yếu ở khu vực giữa hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Đánh bắt theo mùa vụ chính là câu mực từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch, mùa biển động thì làm lưới rê; thu nhập bạn tàu trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/người/chuyến biển”.
“Các “tàu 67” muốn bổ sung nghề phụ thì chủ tàu phải xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả trình cấp xã xác nhận, cấp huyện thẩm định và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Ðến nay, Chi cục cũng đã cấp giấy phép KTTS cho 5 chủ “tàu 67” bổ sung thêm nghề phụ”.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản NGUYỄN CÔNG BÌNH
Vay vốn theo Nghị định 67 để đóng tàu năm 2016 với nghề chính là lưới vây ánh sáng, nhưng do nghề lưới vây hoạt động không hiệu quả, tháng 4.2020, ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99016-TS, đã làm thủ tục bổ sung nghề phụ mành chụp. Anh Thãi chia sẻ: “Với giấy phép KTTS mới được cấp, nghề chính mà tàu tôi được làm là lưới vây ánh sáng mỗi năm được hoạt động 6 tháng, nghề phụ là mành chụp hoạt động 4 tháng. Với tàu vỏ thép, mỗi chuyến biển bốc tổn mất từ 260 - 280 triệu đồng, phải ứng trước tiền thuê bạn 6 triệu đồng/người. Vì vậy doanh thu mỗi chuyến biển tối thiểu phải đạt 400 triệu đồng mới có tiền chia cho bạn. Mà muốn giữ chân bạn, tàu phải đánh bắt hiệu quả, chính vì vậy tôi xin bổ sung nghề mành chụp”.
Với các tàu vẫn chuyên một nghề KTTS, ngư dân từng bước chuyển từ máy dò ngang sang máy dò chụp, dò quét để đánh bắt hiệu quả hơn. Ngư dân Võ Văn Tánh, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 97654-TS, làm nghề lưới vây ánh sáng, cho biết: “Năm 2016, tôi đầu tư gần 300 triệu đồng nâng cấp máy dò cá từ loại dò ngang chuyển sang dò chụp. Máy dò chụp không chỉ dò tìm luồng cá có góc quét rộng hơn, độ dò sâu hơn máy dò ngang, mà còn giúp thuyền trưởng theo dõi liên tục hướng di chuyển của đàn cá, mật độ đàn cá để tính toán thả lưới sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Đầu tư như tôi là còn ít, gần đây nhiều tàu đầu tư máy dò chụp trị giá tới 5 - 7 tỷ đồng, có nhiều chức năng hiện đại giúp nâng hiệu quả KTTS lên rất cao”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN