Can thiệp tối thiểu trong phẫu thuật thần kinh, cột sống: Xóa tan nỗi lo cho bệnh nhân
Sử dụng những kỹ thuật phẫu thuật hiện đại, ít xâm lấn, khiến giảm hẳn mức độ phức tạp của ca phẫu thuật chấn thương sọ não, cột sống, nâng cao chỉ số an toàn, không mất máu, phục hồi nhanh... là những điều được các thầy thuốc tại khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVÐK tỉnh) dành nhiều tâm huyết thực hiện.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Liên (77 tuổi, ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) nhập viện tại TTYT TX An Nhơn ngày 19.9, trong tình trạng liệt nửa người phải và liệt nửa mặt bên phải. Chuyển vào BVĐK tỉnh, chẩn đoán ban đầu xác định ngay bệnh nhân có túi phình động mạch não. Sáng 22.9, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ê kíp bác sĩ CKII Đào Văn Nhân (Trưởng khoa) và 2 bác sĩ CKI Nguyễn Phúc Tài, Lê Đức Thắng phẫu thuật qua đường cung mày trái bệnh nhân, đường mổ chỉ dài 3 cm, cắt sọ từ 1,5 - 2,5 cm để tiếp cận vị trí mạch máu mang túi phình bị vỡ dưới kính vi phẫu và kẹp bằng clip.
Sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Thị Liên (77 tuổi, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) ổn định, không còn yếu liệt sau 1 ngày phẫu thuật.
Anh Tôn Văn Mười, con trai bà Liên, thở phào nói: “Mẹ tôi bị đau đầu, sốt, đưa vào bệnh viện bác sĩ bảo có túi phình trong não phải phẫu thuật. Nghe nói mổ não đụng dao kéo, cả nhà lo lắm, vậy mà chỉ mất 2 tiếng là xong, sức khỏe mẹ tôi cũng tốt hơn 1 ngày sau đó, không còn yếu liệt”.
Cũng mắc chứng bệnh phình động mạch não giữa bên trái, bệnh nhân Nguyễn Thị Bông (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) được các bác sĩ phẫu thuật mổ cấp cứu tối 23.9. Đến giờ, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Tài cho biết: Phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị túi phình mạch não với đường mổ chỉ dài 3,5 cm (so với đường mổ Pterion trước đây dài 15 - 18 cm), cắt sọ nhỏ chỉ từ 1,5 - 2,5 cm (trước đây là 8 - 10 cm) là có thể vào não để can thiệp túi phình. Phẫu trường nhỏ nên khả năng hồi phục của bệnh nhân tốt hơn, nhanh hơn, ít sử dụng thuốc kháng sinh, thời gian nằm viện rút ngắn hơn 3 - 5 ngày so với trước, bệnh nhân không phải truyền máu. Đặc biệt, về thẩm mỹ, bệnh nhân không còn mặc cảm tự ti đã “từng mổ não” như trước đây, hòa nhập với cuộc sống nhanh hơn, tốt hơn.
Năm 2014, lần đầu tiên, phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị túi phình mạch não vòng tuần hoàn trước vỡ được bác sĩ CKII Đào Văn Nhân triển khai tại khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống. Bác sĩ Nhân cho biết: “Cuối năm đó, khi báo cáo 18 ca phẫu thuật tại hội nghị phẫu thuật thần kinh toàn quốc, tôi nhận không ít nghi ngại về độ “liều” với kỹ thuật mới”. Nhưng nhờ làm chủ kỹ thuật mới, bác sĩ Nhân tiếp tục mổ thành công cho 30 - 40 bệnh nhân/năm. Hiện nay tại BVĐK tỉnh còn có thêm các bác sĩ Nguyễn Phúc Tài, Lê Đức Thắng triển khai thường quy kỹ thuật này.
Phẫu thuật nội soi được các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh) triển khai thường quy trên nhiều bệnh lý thần kinh, cột sống.
Cùng với phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị túi phình mạch não vòng tuần hoàn trước vỡ, hiện khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống còn triển khai nhiều kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu về não, thần kinh, như giải phóng chèn ép dây thần kinh số 5 đối với bệnh lý đau nửa mặt, giải phóng chèn ép dây thần kinh số 7 đối với bệnh lý giật nửa mặt, mổ nội soi u tuyến yên qua đường mũi. Đối với cột sống, phẫu thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu ứng dụng trong trường hợp gãy cột sống thắt lưng mất vững bằng cách mổ bắt vít qua da; thay đĩa đệm và cố định cột sống qua da cho bệnh nhân trượt đốt sống độ 1, độ 2; mổ nội soi thoát vị đĩa đệm…
Theo bác sĩ Đào Văn Nhân, trước đây, các phẫu thuật về não, thần kinh, cột sống đường mổ lớn, khiến hậu phẫu cho bệnh nhân gặp không ít khó khăn. Những năm gần đây, với phát triển của kỹ thuật phẫu thuật thần kinh trên thế giới và phát triển về trang thiết bị, kỹ thuật can thiệp tối thiểu được phát triển. “Phẫu thuật can thiệp tối thiểu đòi hỏi phải rất chính xác, quan trọng là bác sĩ phải có kỹ năng cao (trong thao tác, xử lý tình huống). Đường mổ càng nhỏ thì thao tác càng khó, bắt buộc động tác của phẫu thuật viên phải cực kỳ chuẩn xác”, bác sĩ Nhân chia sẻ.
Bên cạnh đào tạo chuyên môn cho bác sĩ, nhờ dự án JICA (Nhật Bản), đến nay BVĐK tỉnh được hỗ trợ nhiều máy móc, thiết bị trong phẫu thuật nội soi, như thiết bị định vị dẫn đường, máy theo dõi thần kinh trong mổ, kính vi phẫu, hệ thống nội soi, đặc biệt các bàn mổ hiện đại bằng cacbon có thể chiếu xuyên được tia X và thiết bị để thực hiện các phẫu thuật can thiệp tối thiểu vào cột sống.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát triển kỹ thuật phẫu thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu kết hợp với nội soi, để mang lại hiệu quả tối ưu hơn nữa trong điều trị các bệnh lý thần kinh, cột sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Đào Văn Nhân nhấn mạnh.
MAI HOÀNG