Quản lý thuế thương mại điện tử: Kết quả tích cực bước đầu
Thực hiện quản lý thuế thương mại điện tử theo quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, đến nay, Cục Thuế tỉnh tiếp nhận hồ sơ khai thuế của 57 tổ chức, cá nhân; thu ngân sách hơn 784 triệu đồng.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thực hiện kê khai và nộp ngân sách theo quy định. Cụ thể, đối với cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh bán hàng trực tuyến, thuế phải nộp bằng 1,5% tính trên doanh thu bán hàng (bao gồm 1% thuế giá trị gia tăng - GTGT, và 0,5% thuế thu nhập cá nhân - TNCN). Đối với cá nhân cung cấp sản phẩm số trên mạng xã hội và nhận được tiền thù lao từ các nhà mạng như YouTube, Facebook, Zalo, thuế phải nộp bằng 7% tính trên doanh thu (bao gồm 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN). Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo quy định tại các điều luật (Luật Đầu tư, Luật Dầu khí và Luật các tổ chức tín dụng), nếu có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ thuế, thường sẽ thực hiện khấu trừ 10% thuế nộp thay (thông qua các đơn vị đối tác trong nước)...
TMĐT phát triển kéo theo sự phát triển của dịch vụ vận chuyển.
- Trong ảnh: Kho hàng hóa của Bưu cục Kerry tại Quy Nhơn.
Để hỗ trợ người nộp thuế nắm bắt các quy định liên quan đến hoạt động TMĐT, từ năm 2019, Cục Thuế tỉnh tuyên truyền và phổ biến chính sách thuế liên quan. Cục Thuế tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương, đặc biệt là các ngân hàng thương mại để thu thuế TMĐT thông qua kiểm soát dòng tiền đến từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trong đó có Bình Định. Đối với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú liên quan đến các DN, tổ chức nước ngoài như Agoda, Booking, Hotels.com…, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế bằng việc khấu trừ thuế nộp thay từ phía các đối tác trong nước.
Đến đầu tháng 8.2020, Cục Thuế tỉnh làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn thực hiện thực kê khai thuế. Sau khi được hướng dẫn, có 57 tổ chức, cá nhân đã kê khai, nộp ngân sách hơn 784 triệu đồng, trong đó có 2 cá nhân có số thu lớn.
Theo ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh), thời gian tới Cục Thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật thuế hoạt động TMĐT; tiếp tục thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, ngân hàng thương mại để có căn cứ tính toán thuế; đồng thời khẩn trương làm việc với các cá nhân có phát sinh thu nhập lớn từ nước ngoài, cũng như chi trả lớn tiền hoa hồng cho nước ngoài để đôn đốc nộp thuế theo quy định.
Trao đổi với phóng viên tại buổi làm việc của ngành thuế với các tổ chức, cá nhân hoạt động lĩnh vực TMĐT, ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, phân tích, TMĐT là xu hướng kinh doanh sẽ bùng nổ mạnh hơn nữa trong tương lai, xu hướng này thể hiện rất rõ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Đi cùng với TMĐT là hoạt động của các dịch vụ vận chuyển, giao hàng… Cách thức mua bán, thanh toán, giao nhận mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng, mở ra một không gian sản xuất kinh doanh mới, tác động tích cực lên sự phát triển kinh tế địa phương. Đón đầu xu hướng mới, ngành thuế tổ chức nắm bắt ngay từ giai đoạn sơ khai, quản lý thuế chính xác khi TMĐT bùng nổ, nhờ đó công tác quản lý thu ngân sách mau chóng đi vào nền nếp.
THU DỊU