Ðừng chủ quan với sỏi niệu quản
Khi sỏi thận di chuyển rơi xuống niệu quản gọi là sỏi niệu quản. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, khi có hẹp niệu quản hoặc những bất thường tạo sự ứ đọng nước tiểu trong niệu quản cũng có thể gây tích tụ tạo nên sỏi niệu quản.
Bác sĩ Hoàng Văn Khả (Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh - phần mở rộng), cho biết: “Trường hợp không điển hình, người bệnh cảm thấy cơn đau lưng nhẹ, thoáng qua. Nếu sỏi gần bàng quang, người bệnh có thể có biểu hiện mót tiểu tiện nhiều lần nhưng chỉ đi được với số lượng ít hoặc không tiểu được. Đối với trường hợp điển hình, người bệnh hay đau mỏi lưng lan xuống bụng dưới hay bộ phận sinh dục. Đôi khi có rối loạn tiểu tiện với tiểu máu, tiểu nhiều lần, tiểu buốt... Trường hợp đặc biệt, điển hình là cơn đau dữ dội, xuất hiện đột ngột khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản gây tắc làm tăng áp lực đột ngột trong thận”.
Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào, việc phát hiện ra sỏi niệu quản chỉ hoàn toàn tình cờ qua siêu âm khi khám sức khỏe tổng quát. Đây là “sỏi im lặng” - loại sỏi nguy hiểm nhất vì chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn đã biến chứng hoặc thận mất chức năng (thường phải cắt thận). Điều đáng chú ý là ngay cả khi đã phát hiện ra sỏi, bệnh nhân vẫn thường không tuân theo chỉ định can thiệp ngoại khoa của bác sĩ dẫn đến các hậu quả nặng nề.
Sỏi niệu quản được đánh giá là dạng nguy hiểm nhất trong các bệnh sỏi về tiết niệu. Nếu không điều trị, sỏi có thể cản trở lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận cấp, lâu ngày tiến triển thành suy thận mạn, áp xe thận và tổ chức quanh thận… Vì thế, đừng nên chủ quan cho rằng sỏi niệu quản nhỏ không đáng lo mà nên điều trị càng sớm càng tốt.
Với những sỏi niệu quản có kích thước nhỏ hơn đường kính ống niệu quản (dưới 5 mm) thường được chỉ định dùng thuốc đẩy ra qua đường tiểu tiện, kết hợp dùng các thuốc để điều trị triệu chứng giảm đau, chống nhiễm trùng... Hiện nay, phương pháp tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser thực chất là phương pháp dùng tia laser để phá vỡ sỏi thành những viên rất nhỏ, từ đó sỏi sẽ được lấy ra ngoài. Nội soi niệu quản là một loại can thiệp ngoại khoa ít xâm hại, do vậy, diễn biến sau mổ rất nhẹ nhàng, không đau, không cần dùng thuốc. Thời gian nằm viện thông thường chỉ từ 12 - 24 giờ. Trong nội soi niệu quản tán sỏi, luôn đặt thêm 1 ống thông chạy từ thận qua niệu quản xuống bàng quang để nước tiểu thông tốt và tránh hẹp niệu quản sau mổ. Thông thường, ống thông này sẽ được rút khoảng 2 tuần sau mổ.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)