Bảo vệ thủy sản nuôi mùa mưa bão: Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tổn thất
Để giúp người nuôi thủy sản giảm thiểu tổn thất trong mùa mưa bão sắp tới, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thị xã, thành phố để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản triển khai các giải pháp bảo vệ thủy sản.
Người nuôi thủy sản trên biển, trên lòng hồ thủy lợi chủ động gia cố lồng, bè, giằng neo để giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão sắp tới.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), thời điểm này, cả tỉnh có 1.500 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt và 375,4 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng; 94 hộ thả nuôi hơn 600 nghìn con cá biển với số lượng 1.209 lồng/186 bè; 19 hộ nuôi ương 46.000 con tôm hùm giống/230 lồng/12 bè; 82 hộ nuôi hơn 119 nghìn con tôm hùm thương phẩm/1.645 lồng/56 bè.
Ông Đặng Minh Toan, ở thôn Xuân Bình Nam, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đang nuôi 45.000 con tôm thẻ chân trắng trong 3 ao trải bạt diện tích 1.900 m2, cho biết: “Đến nay, tôm nuôi đã được gần 2 tháng, tháng sau là thu hoạch. Sau đó, tôi sẽ cải tạo ao để thả nuôi vụ phụ, bởi vùng này cao, gần như không bị ảnh hưởng lũ trong mùa mưa bão, nhưng gia đình tôi vẫn cẩn thận thực hiện các biện pháp bảo vệ theo tư vấn, hướng dẫn của ngành chức năng”.
Còn anh Lê Văn Hưng, một hộ nuôi cá ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), thổ lộ: “Rút kinh nghiệm năm ngoái ảnh hưởng bão làm thiệt hại, nên năm nay bà con nuôi thủy sản ở đây lo thu hoạch cá bán sớm trong tháng 8 âm lịch. Riêng tôi đã bán hết 3.000 con cá mú, 3.000 con cá chẽm; còn lại 2.000 con cá chẽm nhỏ, tôi ráng nuôi để cuối năm bán chứ không thả nuôi thêm”.
Các hộ nuôi cá lồng tại hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) cũng chủ động gia cố lồng, bè, giằng thêm neo để an toàn trong mùa mưa bão. Anh Nguyễn Quốc Luật, ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), nuôi cá lồng trong lòng hồ Định Bình, cho hay: “Sau khi xuất bán lứa cá vụ 2, tôi vừa thả nuôi lại 8.000 con cá điêu hồng, 60.000 con cá trê trên 6 lồng/8 ô nuôi. Mùa mưa thì mình có thể thả giống nuôi nhiều hơn mùa nắng, nhưng phải giằng neo cho kỹ lưỡng, bao thêm lưới các ô nuôi để tránh nước lũ về làm trôi lồng, bè; đồng thời phải thường vệ sinh lồng, bổ sung khoáng chất trong thức ăn để giúp cá nuôi tăng sức đề kháng”.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm cần gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm, chủ động thu hoạch sản phẩm trong tháng 9 này. Với vùng nuôi tôm trên cát, bà con thường xuyên kiểm tra môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường. Các vùng nuôi thủy sản trên biển, trên lòng hồ thủy lợi có kế hoạch thu hoạch sản phẩm khi cá đạt kích cỡ thương phẩm; đồng thời, thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, củng cố thêm dây, neo, hạ độ sâu lồng nuôi… để giảm thiểu tổn thất.
BẢO MINH