Thiên thạch có thể mang sự sống từ Trái Đất đến sao Kim
Các thiên thạch từng bay qua khí quyển Trái Đất có thể giúp vận chuyển vi sinh vật sống ở đó tới hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.
Sao Kim có thể chứa vi sinh vật từ Trái Đất. Ảnh: Space.
Nhóm chuyên gia tại Khoa Thiên văn thuộc Đại học Harvard cho rằng các tiểu hành tinh từng ghé thăm khí quyển Trái Đất có thể đã mang theo vi sinh vật tới sao Kim, Fox News hôm 27.9 đưa tin. Nghiên cứu mới đăng trên cơ sở dữ liệu arXiv và đang chờ hội đồng chuyên gia thẩm duyệt.
Giữa tháng 9, các nhà khoa học phát hiện phosphine trong mây sao Kim. Ở Trái Đất, phân tử phosphine chỉ được tạo ra nhờ sản xuất công nghiệp hoặc vi sinh vật. Vì vậy, đây có thể là dấu hiệu sự sống trên hành tinh này.
"Giới khoa học chưa nắm rõ về sự dồi dào của sinh vật sống ở tầng khí quyển Trái Đất trên cao. Tuy nhiên, các tiểu hành tinh có thể đã vận chuyển vi sinh vật qua lại giữa khí quyển Trái Đất và sao Kim. Kết quả là, nguồn gốc của sự sống trên sao Kim có thể không khác lắm so với nguồn gốc sự sống trên Trái Đất", Amir Siraj và Abraham Loeb, hai thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu mới ủng hộ cho Panspermia, giả thuyết cho rằng sự sống trên một hành tinh bắt nguồn từ các vi sinh vật ngoài không gian và được chuyển tới hành tinh khác. Một chuyên gia cũng cho rằng sự sống trên Trái Đất xuất hiện theo cách này. Năm 2019, NASA phát hiện phân tử đường trong hai mảnh thiên thạch rơi xuống Trái Đất, củng cố thêm cho quan điểm tiểu hành tinh đóng vai trò quan trọng đối với sự sống.
Tháng 12.2017, một thiên thạch rạch qua khí quyển phía nam Australia, trở thành cầu lửa trong hơn 90 giây. Sau khi di chuyển khoảng 1.300 km trong khí quyển, thiên thạch nặng 60 kg này lại bay vào không gian. Đây là ví dụ cho việc thiên thạch có thể ghé thăm Trái Đất rồi trở về vũ trụ. Tuy nhiên, Siraj và Loeb cho biết, vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để chứng minh giả thuyết này.
Sao Kim được mệnh danh là "hành tinh sinh đôi dữ dằn" của Trái Đất. Nơi đây có khí hậu vô cùng khắc nghiệt với nhiệt độ bề mặt lên tới 460 độ C, có thể quá nóng cho sinh vật sống. Tuy nhiên, NASA vẫn lên kế hoạch khám phá hành tinh này. Các chuyên gia tại đây đang phát triển mẫu tàu vũ trụ giống cá đuối để thám hiểm sao Kim, thiên thể có nhiều núi lửa nhất hệ Mặt Trời.
Theo Thu Thảo (VnExpress/Fox News)