THỰC HIỆN ÐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GÀ THẢ ÐỒI:
Thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Ông Đào Văn Hùng
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương triển khai Ðề án phát triển chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Ðào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng với việc tăng số lượng đàn gà, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu “Gà thả đồi Bình Ðịnh”, tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ổn định khâu tiêu thụ sản phẩm.
● Tỉnh ta hiện có trên 6,2 triệu con gà, trong khi đó mục tiêu của Đề án phát triển chăn nuôi gà thả đồi của tỉnh đến năm 2025 đảm bảo 100 triệu con gà xuất chuồng. Vậy cơ sở nào để tỉnh ta đề ra mục tiêu nói trên, thưa ông?
- Tỉnh ta có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển chăn nuôi gà. Hiện toàn tỉnh có khoảng 100 nghìn hộ dân đang chăn nuôi gà với nhiều quy mô, cách thức khác nhau. Nghề nuôi gà đã và đang mang lại thu nhập khá, góp phần tạo nhiều việc làm ở khu vực nông thôn. Vì vậy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi gà. Mạng lưới thú y từ tỉnh đến cơ sở ở tỉnh ta cũng đã được hình thành nhiều năm với lực lượng thú y đông đảo, có trình độ và tay nghề cao, hỗ trợ tích cực người dân về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân an tâm hơn trong đầu tư phát triển đàn.
Nguồn giống gia cầm và thức ăn chăn nuôi để phát triển đàn gà cũng rất thuận lợi bởi trên địa bàn tỉnh có 2 DN chuyên sản xuất cung ứng gà giống chất lượng cao nổi tiếng cả nước, 13 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn gia súc gia cầm (GSGC) với tổng công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm, phục vụ nhu cầu chăn nuôi cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tỉnh ta có hệ thống đường giao thông thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán và nằm không quá xa các thành phố lớn, như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... nơi có dân số đông với sức tiêu thụ mạnh các loại thịt GSGC, là điều kiện tốt để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gà trong nước trong năm tới sẽ tăng cao, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng rất tiềm năng. Trên cơ sở phân tích đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển đàn gà thả đồi, đảm bảo 100 triệu con xuất chuồng.
Nhiều hộ dân ở huyện Hoài Ân đã và đang đẩy mạnh chăn nuôi gà ta thả đồi.
● Hiện tỉnh ta đã khởi động Đề án bằng các mô hình nuôi gà thả đồi tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh; xin ông cho biết những bước đi tiếp theo của ngành Nông nghiệp và các địa phương?
- Đề án phát triển đàn gà thả đồi của tỉnh bước đầu có sự tham gia tích cực của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, huyện Tuy Phước và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh huyện Phù Cát. Số lượng gà giống 42.000 con 1 ngày tuổi chất lượng cao và thuốc bổ cho gà do 2 DN này hỗ trợ đã được ngành Nông nghiệp tỉnh cấp cho 84 hộ dân các huyện: Vân Canh, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh thực hiện 5 mô hình nuôi gà thịt thả đồi theo hướng an toàn sinh học. Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT cùng với ngành chức năng của các địa phương tổ chức chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc gà theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo phục vụ thị trường trong dịp Tết năm nay.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố mời đại diện ngành chức năng, các xã, phường và những hộ dân có điều kiện phát triển chăn nuôi gà thả đồi tham quan mô hình đã xây dựng và tham gia lớp tập huấn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật đầu tư chăm sóc, bảo vệ đàn gà thả đồi. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình, trong đó có việc hỗ trợ thành lập 11 HTX chuyên ngành chăn nuôi gà thả vườn, đồi tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Các tổ chức, cá nhân tham gia đề án được tỉnh hỗ trợ vắc xin và kỹ thuật, được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi. Với những giải pháp đồng bộ như vậy, năm 2021, chắc chắn có 10 triệu con gà xuất chuồng và đến năm 2025 sẽ tăng lên 100 triệu con.
● Xây dựng liên kết chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết bất cập về cung cầu, đảm bảo phát triển bền vững. Vấn đề này được tỉnh ta tính toán như thế nào, thưa ông?
- Làm sao để người chăn nuôi bán sản phẩm thuận lợi, được giá là vấn đề quan trọng, thậm chí quan trọng đến mức sẽ quyết định thành bại của Đề án. Vì thế chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Theo kế hoạch, từ năm 2021 - 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh vận động Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cùng 2 DN khác trên địa bàn tỉnh xây dựng và triển khai hợp đồng chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gà theo chuỗi giá trị với các cơ sở chăn nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh. Mời gọi Tập đoàn Masan xây dựng nhà máy chế biến thịt gia cầm để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhằm tạo thuận lợi cho người chăn nuôi trong tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi cũng đang xúc tiến việc hình thành 2 chợ đầu mối mua bán gà tại TX Hoài Nhơn và TX An Nhơn. Cùng với đó xây dựng và đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để cấp nhãn hiệu “Gà thả đồi Bình Định”.
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)