Chiến thắng biên giới 1950: Bước ngoặt cơ bản của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Cách đây tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân trên mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn, cùng với cả nước, đã khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm, sáng tạo mở Chiến dịch Biên giới thu-đông 1950.
Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí của quân và dân ta (từ ngày 16.9 đến 14.10.1950), Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã giành được thắng lợi to lớn. Không chỉ có ý nghĩa chiến lược, mở ra bước ngoặt cơ bản trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng này còn đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Địa điểm Bác Hồ viết bài thơ Lên núi khi Người đang trên đường lên đài quan sát theo dõi Mặt trận Đông Khê tại núi Báo Đông, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
Bước ngoặt cơ bản trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Chiến dịch biên giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đây là chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy. Đây cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo.
Ngược dòng lịch sử, sau thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc thu-đông 1947, thực dân Pháp đẩy mạnh việc củng cố hành lang đông-tây, đồng thời thực hiện kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, củng cố tuyến phòng thủ biên giới Đông Bắc. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của địch, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Do đó, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt-Trung. Cân nhắc giữa hai hướng Tây Bắc và Đông Bắc, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tiến công địch, giải phóng biên giới ở hướng Cao Bằng-Lạng Sơn.
Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, ngày 7.7.1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng-Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng phong II, tiến công phòng tuyến của địch trên đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng-Thất Khê. Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy; đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.
Với quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược quan trọng này, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghiên cứu tình hình, phê chuẩn kế hoạch tác chiến, chỉ đạo các ngành ở Trung ương và địa phương đem hết sức mình phục vụ tiền tuyến và thực hiện sự phối hợp chiến trường trên toàn quốc để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng. Trong đó, Liên khu Việt Bắc là địa phương chính động viên sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, Đảng bộ, chính quyền Liên khu đã huy động hơn 120 nghìn dân công thuộc các dân tộc ở Việt Bắc tham gia phục vụ tiền tuyến với hơn 1,7 triệu ngày công.
Nhờ nỗ lực chung của cán bộ, bộ đội và nhân dân, đến trung tuần tháng 9.1950, công tác chuẩn bị hậu cần đã cơ bản được hoàn thành; khoảng 4.000 tấn lương thực, súng đạn được vận chuyển từ xa đến, bảo đảm cho gần ba vạn quân tham gia chiến dịch. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng nhiều đơn vị mạnh tham gia chiến dịch. Với tổng số lực lượng tương đương hai đại đoàn, Chiến dịch Biên giới đã vượt tất cả các chiến dịch trước đây về quy mô sử dụng lực lượng.
Hạ tuần tháng 8.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sáng sớm ngày 16.9.1950, ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Bộ đội ta đã dũng cảm chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Sau 54 giờ chiến đấu, sáng ngày 18.9, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê, diệt và bắt trên 300 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, bắn rơi 1 máy bay.
Chiến thắng oanh liệt của trận mở màn ở Đông Khê đã cổ vũ khí thế giết giặc lập công trên khắp các mặt trận và đặc biệt quan trọng là tạo thế rất thuận lợi cho sự phát triển tiếp theo của toàn bộ chiến dịch. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm xuất hiện, như: chiến sĩ bộc phá La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương rồi tiếp tục xông lên phá lô cốt địch; Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho đơn vị xông lên.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch ở Đông Khê, Bộ Chỉ huy chiến dịch tập trung gần như toàn bộ lực lượng để đánh quân địch đi tiếp viện, lấy đó là đòn đánh then chốt quyết định giành toàn thắng. Phối hợp với Chiến dịch Biên giới, quân và dân ta đồng loạt tiến công địch trên khắp các chiến trường: ở Thái Nguyên, ta đánh bại cuộc hành quân Phô-cơ của Pháp; hướng Tây bắc Bắc Bộ, ta bao vây tiến công, buộc địch rút khỏi Lào Cai, Hà Giang, thị xã Hòa Bình; ở Đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt và bức rút hàng chục vị trí, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm; ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ta mở nhiều chiến dịch tiến công địch.
Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí của quân và dân ta (từ ngày 16.9 đến 14.10.1950), Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã giành được thắng lợi to lớn. Trong chiến dịch này, ta đã thực hiện thắng lợi trọn vẹn mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra là giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ thị xã Cao Bằng đến thị trấn Đình Lập (Lạng Sơn), một địa bàn chiến lược xung yếu, tạo nên một thế trận mới vững chắc.
Vẹn nguyên giá trị
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới là thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Sau bốn năm kháng chiến, đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch, nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. Ta không chỉ tiêu diệt một khối sinh lực tinh nhuệ của địch, mà còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn có vị trí chiến lược trọng yếu; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, mở thông đường liên lạc với quốc tế và nối liền Việt Bắc với các vùng miền trong nước (đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu 4).
Lô cốt tháp canh Pháp trong Cụm Di tích Đồn Đông Khê tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới mở ra một bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính đã thuộc về ta, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến; từ đó về sau, ta liên tục mở những chiến dịch tiến công lớn, đánh tiêu diệt với quy mô ngày càng cao.
Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 đã làm phá sản kế hoạch quân sự, chính trị của thực dân Pháp: vòng vây biên giới bị đập tan, hành lang đông - tây bị chọc thủng, các xứ tự trị bị phá vỡ, kế hoạch Rơ-ve cơ bản bị sụp đổ. Thất bại ở biên giới đã gây đảo lộn lớn đối với chiến lược, chiến thuật của Pháp, làm quân Pháp choáng váng, hốt hoảng bố trí lại lực lượng, thay đổi chiến thuật, thay đổi chỉ huy… Đây là thất bại chưa từng có trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tính đến thời điểm lúc bấy giờ.
Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch. Lần đầu tiên ta mở một chiến dịch quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng với lực lượng gần ba vạn cán bộ, chiến sĩ, huy động hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài hàng trăm km, đánh liên tục cả tháng.
Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 chứng tỏ trình độ chỉ huy và trình độ chiến thuật, kỹ thuật của bộ đội ta có bước trưởng thành vượt bậc; là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta. Với thắng lợi vừa giành được, quân và dân ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào sức mạnh của chính mình và càng hăng hái quyết tâm đẩy mạnh kháng chiến.
Cùng với ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và Campuchia từng bước phát triển vững chắc, phối hợp nhịp nhàng với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; đồng thời cổ vũ tinh thần chiến đấu và tăng thêm niềm tin cho các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập, tự do, nhất là trong giai đoạn này đế quốc Mỹ đang mở cuộc chiến tranh xâm lược Bắc Triều Tiên.
Sau Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951-1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Cho đến nay, bài học về phát huy nội lực, xây dựng thực lực kháng chiến, xây dựng quân đội để làm nên chiến thắng biên giới vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 (16.9.1950-16.9.2020) là dịp để chúng ta cùng ôn lại một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, qua đó khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cả dân tộc, đặc biệt trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Theo Minh Duyên/TTXVN