Nuôi cá mú đen chấm nâu: Thêm giống mới cho nghề nuôi thủy sản
Nhằm tạo thêm giống mới cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh, tháng 3.2020, Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (Sở NN&PTNT) thực nghiệm thành công đề tài sinh sản nhân tạo giống cá mú đen chấm nâu tại Bình Ðịnh. Tiếp đó, ngành chức năng hỗ trợ 5.400 con cá giống để người nuôi thủy sản trong tỉnh làm quen với việc nuôi cá mú đen chấm nâu thương phẩm.
Đàn cá mú của anh Nhâm sinh trưởng tốt, có con đạt kích cỡ hơn 20 cm sau thời gian nuôi gần 3 tháng.
Đầu tháng 7.2020, anh Nguyễn Văn Nhâm, ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát được hỗ trợ 2.700 con giống cá mú đen chấm nâu kích cỡ 10 - 12 cm/con để nuôi thương phẩm trên lồng bè tại cửa biển Đề Gi. Sau gần 3 tháng nuôi, trừ 200 con hao hụt, số cá còn lại hiện đạt kích cỡ bình quân 17 cm/con, cá lớn hơn đạt cỡ 20 cm/con. Anh Nhâm thổ lộ: “Cá mú rất dễ nuôi, chỉ cần cho ăn mồi sống, 3 - 5 ngày cho cá tắm nước ngọt 1 lần, vệ sinh lồng nuôi chu đáo là cá phát triển mạnh. Ước tính nuôi khoảng 1 năm cá đạt trọng lượng 0,8 - 1 kg/con là xuất bán được. Tôi từng nuôi cá mú đen chấm nâu bằng con giống khai thác trong đầm Đề Gi, cá giống nhỏ hơn so với cá tôi vừa được hỗ trợ - chỉ cỡ 5 cm/con thôi, nhưng giá đã là 10.000 - 12.000 đồng/con. Dù vậy nguồn cung không ổn định, nay có giống sản xuất sẵn tại chỗ, chắc nhiều người sẽ đầu tư nuôi cá mú đen chấm nâu”.
Anh Mai Phúc Trường, ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) kiểm tra đàn cá mú nuôi thương phẩm của mình.
Tương tự, anh Mai Phúc Trường, một hộ nuôi cá lồng bè trên biển tại Hải Minh Trong, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn cũng được hỗ trợ 2.700 con cá mú giống để nuôi thương phẩm. Anh Trường kể: “Lúc mới thả nuôi, do cá chưa quen với môi trường vùng nước nên hao hụt tới 500 con. Nhưng bù vào đó, đàn cá còn lại sinh trưởng tốt, hiện đạt kích cỡ 15 - 18 cm/con. Tôi thả nuôi mật độ 20 con/m3 theo hướng dẫn của ngành chức năng, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần bằng thức ăn công nghiệp. So với cá mú giống trước đây tôi mua tại tỉnh Khánh Hòa thì cá giống ở đây khỏe hơn, thích nghi với môi trường nhanh, sinh trưởng tốt. Tôi thả thêm cá dìa vào lồng nuôi chung với cá mú để chúng ăn rong, thức ăn thừa trong lồng, hạn chế dịch bệnh”.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Phan Thanh Việt, lâu nay, người dân trong tỉnh chủ yếu nhập con giống từ các tỉnh khác về nuôi, con giống vận chuyển xa dễ bị nhiễm bệnh, khi về thả nuôi bị suy yếu do sốc. Với việc chủ động được con giống, người nuôi cá sẽ có nhiều thuận lợi. Tới đây, bên cạnh những giống thủy sản quen thuộc như tôm sú, hàu Thái Bình Dương, cua, Trung tâm sẽ sản xuất thêm cá mú đen chấm nâu, cá bớp để phục vụ nhu cầu con giống của người nuôi thủy sản.
“Cá mú là một trong những loài hải sản nuôi có giá trị kinh tế cao. Nghề nuôi cá mú phát triển dọc các tỉnh, thành ven biển cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung; đối tượng này có thể nuôi trong ao đất, lồng bè trên biển. Từ năm 2005, Trung tâm đã bắt đầu nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cá mú đen chấm nâu, nên việc triển khai đề tài tại Bình Ðịnh có thuận lợi hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá mô hình nuôi thương phẩm cá mú đen chấm nâu tại Bình Ðình để tiếp tục triển khai các đề tài sinh sản nhân tạo một số đối tượng cá biển khác có lợi thế nuôi tại địa phương, tập huấn kỹ thuật cho người nuôi... nhằm giúp người dân trong tỉnh phát triển nghề nuôi thủy hải sản bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Th.S CAO VĂN HẠNH, Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc
ĐOÀN NGỌC NHUẬN