Kỳ vọng bứt phá năng lực vận tải trục Bắc-Nam khi tuyến cao tốc hình thành
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ từng bước hình thành trục tải trục Bắc - Nam có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao…
Hôm nay (30.9), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng số vốn hơn 37.000 tỷ đồng.
Hôm nay (30.9), Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện nay, cả 3 dự án thành phần đã hoàn thiện thủ tục, đủ điều kiện để khởi công theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự lễ khởi công dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ dự lễ khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 2 tỉnh là Ninh Bình, Thanh Hóa với chiều dài toàn tuyến khoảng 63,37km.
Điểm đầu dự án nằm tại nút giao với đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Điểm cuối dự án tại nút giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 2 tỉnh là Bình Thuận và Đồng Nai, với chiều dài khoảng 99km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km).
Phân kỳ giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng 4 làn xe hạn chế; vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh của dự án sẽ được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức thực hiện và quản lý.
Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8km.
Điểm đầu của dự án nằm ở phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo).
Điểm cuối dự án giao với đường QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây).
Giai đoạn trước mắt, dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe; vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 tổ chức thực hiện và quản lý.
Dự án Phan Thiết - Dầu Giây
Điểm đầu dự án nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km) - tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ từng bước hình thành trục tải trục Bắc-Nam có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao…
Điểm cuối dự án kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125.
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 12.577,487 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức thực hiện và quản lý.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công và 3 dự án đã đủ điều kiện thi công, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công hiện nay là cấp thiết để đẩy nhanh tiến độ công trình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Chủng, các dự án PPP giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Đơn cử, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai gần 5 năm, vừa qua phải cần tới 4 ngân hàng thương mại hợp vốn mới tháo gỡ được nút thắt về vốn tín dụng cho dự án.
“Đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, nhà đầu tư trong nước thừa quyết tâm, nhà thầu thi công cũng dư năng lực để làm nhưng vướng mắc lớn nhất là vốn tín dụng, chiếm 50 - 60% tổng mức đầu tư của các dự án. Nguồn vốn này gần như đang bị các ngân hàng thương mại đóng cửa cho vay, bởi tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã chạm ngưỡng quy định. Do vậy, việc Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, còn tạo thêm động lực và quyết tâm cho các nhà đầu tư trong nước thực hiện các dự án PPP cao tốc còn lại trong thời gian tới”, ông Chủng nói.
Trục cao tốc xuyên Việt đầu tiên đang dần hình thành
Bộ GTVT nhận định việc 3 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến cuối năm 2022) cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu.
Cao tốc Bắc-Nam song song với trục hiện hữu QL1 sẽ góp phần giải tỏa cho tuyến quốc lộ này, nâng cao tốc độ lưu hành, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển không gian đô thị…
Nói về hiệu quả thực tế của dự án khi hoàn thành dự án, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công-tư (PPP) cho biết, hiện nay trên QL1 có tới hơn 800 km đi qua khu dân cư khiến cho tuyến đường này giảm năng lực đáng kể. Tốc độ hiện tại trên tuyến QL1 khoảng 40-60 km/h, xe máy và xe thô sơ đi chung khiến cho việc lưu thông bị hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông.
“Cao tốc Bắc-Nam khi hình thành sẽ song hành với QL1, với tốc độ thiết kế đạt 80-120 km/h, không đi lẫn với các phương tiện xe máy, xe thô sơ, không có giao cắt đồng mức… nên năng lực thông hành sẽ được nâng đáng kể, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến giao thông huyết mạch quan trọng này”, ông Lê Kim Thành nói.
Phân tích rõ hơn về hiệu quả toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cao tốc Bắc-Nam khi được hoàn thành sẽ đáp ứng “đa mục tiêu”.
“Hành lang Bắc-Nam là hành lang quan trọng nhất của giao thông vận tải. Với 5 phương thức vận tải hiện nay gồm: Đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường thủy nội địa thì tỷ trọng hàng hóa lưu thông trên đường bộ đang chiếm tới hơn 70%, lượng hành khách hơn 90%. Do vậy, việc phát triển đường bộ cao tốc là thực tế khách quan. Bên cạnh đó, cao tốc Bắc-Nam song song với trục hiện hữu QL1 sẽ góp phần giải tỏa cho tuyến quốc lộ này, nâng cao tốc độ lưu hành, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển không gian đô thị…”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Theo Phi Long (VOV.VN)