Tâm huyết với di sản văn hóa Bình Ðịnh
Gần đây, nhiều nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ đã chọn một số di sản, đặc trưng văn hóa Bình Ðịnh (hát bội, bài chòi, trống trận Tây Sơn...) làm đối tượng nghiên cứu. Ðiểm chung của những đề tài nghiên cứu này là sự tâm huyết và mong muốn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Bình Ðịnh.
Nghiên cứu di sản Bình Định
Xuất phát từ yêu thích và nhận thức về sự cần thiết bảo tồn những giá trị của nghệ thuật bài chòi, anh Nguyễn Minh Dũng, giảng viên âm nhạc Trường Trung học VHNT Bình Định đã chọn “Làn điệu Xuân Nữ trong nghệ thuật bài chòi” làm đề tài luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học, tại Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Trước đây, đã có một số công trình của các nhà nghiên cứu đề cập tới nhiều khía cạnh của nghệ thuật bài chòi. Tuy nhiên, chưa có đề tài nào tập trung nghiên cứu riêng về làn điệu Xuân Nữ. Thạc sĩ Nguyễn Minh Dũng cho biết: “Mục đích nghiên cứu của tôi là tìm hiểu sâu hơn về làn điệu Xuân Nữ trong nghệ thuật bài chòi, cả góc độ âm nhạc học cũng như văn hóa học. Từ đó, xác định vai trò, vị trí của làn điệu này trong nghệ thuật bài chòi, các xu hướng biến hóa, phát triển cùng những mối quan hệ tương tác, giao thoa giữa nó với các loại hình dân ca- nhạc cổ khác”.
Thạc sĩ Đào Thị Nhu Mì hiện đang giảng dạy tại khoa Lý luận- Sáng tác- Chỉ huy của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng ấp ủ nghiên cứu về hát bội Bình Định. Vì vậy, khi nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Nhu Mì đã chọn đề tài “Hát bội Bình Định từ góc nhìn văn hóa học”. Thạc sĩ Bạch Mai hiện đang giảng dạy Âm nhạc tại khoa Giáo dục tiểu học Trường Đại học Quy Nhơn cũng đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ với đề tài “Trống trận Tây Sơn”.
Giàu tâm huyết
Để thực hiện đề tài, anh Nguyễn Minh Dũng đã bỏ nhiều thời gian đi thực địa, gặp gỡ các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công bài chòi, tuồng để thực hiện điều tra, phỏng vấn, sưu tầm, ghi âm, chụp ảnh. “Anh Dũng rất nhiệt tình với bài chòi cổ, đã nhiều lần tìm gặp để hỏi chuyện hay ghi âm tôi hát”, nghệ nhân Minh Đức có lần cho biết. Để đảm bảo tính khoa học cho đề tài nghiên cứu, Minh Dũng đã kỳ công thực hiện phương pháp thống kê, phân tích tổng hợp, nghiên cứu liên ngành, ký âm thành văn bản các làn điệu, bản nhạc có liên quan đến đề tài. Nhờ vậy, luận văn của anh đã đạt điểm Xuất sắc.
“Làn điệu Xuân Nữ không những có cấu trúc, đặc điểm, tính chất và phương thức diễn xướng đa dạng, mà còn đóng vai trò quan trọng và quán xuyến âm nhạc của nghệ thuật bài chòi. Việc chỉ sử dụng làn điệu Xuân Nữ mới trong sân khấu kịch hát bài chòi, còn làn điệu Xuân Nữ cổ chủ yếu được sử dụng ở diễn xướng bài chòi dân gian, theo tôi là vấn đề phải suy nghĩ…”, thạc sĩ Nguyễn Minh Dũng nhìn nhận.
Để thực hiện kĩ lưỡng đề tài về hát bội Bình Định, thạc sĩ Đào Thị Nhu Mì (con gái nhạc sĩ Đào Minh Tâm) cũng đã nhiều lần về quê tìm kiếm tư liệu. Chị đã được Nhà hát tuồng Đào Tấn, các nghệ sĩ, nghệ nhân và những người am hiểu hát bội ở quê hương giúp đỡ nhiệt tình. Biên đạo Hoàng Việt cho biết: “Tôi trân trọng tâm huyết của những người trẻ tuổi muốn nghiên cứu, đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của quê hương nên đã ra sức giúp đỡ”.
Trước đây, thạc sĩ Bạch Mai đã có tác phẩm lý luận âm nhạc về trống trận Tây Sơn. Tuy nhiên, để phát triển thành luận án tiến sĩ cần có sự nghiên cứu chuyên sâu hơn. Thời gian qua, ông đã đầu tư nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu, trao đổi về đề tài với các nhạc sĩ giỏi âm nhạc truyền thống như NSƯT Đào Duy Kiền, NSƯT Gia Thiện. “Việc thực hiện đề tài của tôi cũng mới ở giai đoạn bước đầu, còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu làm rõ một cách khoa học hơn. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt đề tài, góp thêm phần quảng bá, tôn vinh những giá trị độc đáo của trống trận Tây Sơn”, thạc sĩ Bạch Mai tâm sự.
HOÀI THU